Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thăm và làm việc với Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:59, 22/10/2022

(TN&MT) - Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đến Việt Nam, trưa 22/10, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đến thăm và làm việc với Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Đón và tiếp Ngài António Guteres có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) Trần Hồng Thái; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục KTTV.

8.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái giới thiệu với Ngài Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về lịch sử và thành tựu của ngành KTTV tại Phòng Truyền thống của ngành. Ảnh: Thanh Tùng

Chào mừng Ngài Tổng thư ký, Ngài Bộ trưởng, Đoàn Đại biểu cấp cao Liên hiệp quốc, các vị lãnh đạo các Bộ, ngành đến thăm và làm việc tại Tổng cục KTTV, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái nhấn mạnh, chuyến thăm thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cá nhân Ngài Tổng thư ký và Liên Hợp Quốc đến công tác phục vụ KTTV, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, có tính lịch sử, đầy tự hào đối với ngành KTTV Việt Nam nhằm động viên tinh thần làm việc của các thành viên KTTV và kêu gọi sự quan tâm của các cấp chính quyền, người dân và các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

3(2).jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Theo ông Trần Hồng Thái, chuyến thăm của Ngài Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là động lực để Ngành KTTV Việt Nam, thành viên tích cực, chủ động của Tổ chức Khí tượng thế giới trong mái nhà chung Liên hiệp quốc, cống hiến hết mình, phát huy trí tuệ, tinh thần hợp tác, hoàn thành nhiệm vụ dự báo, cảnh báo thiên tai, góp phần phát triển bền vững, triển khai thiết thực, hiệu quả các hành động đạt được mục tiêu của Liên Hợp Quốc.

Giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của ngành KTTV, ông Trần Hồng Thái cho biết, năm 1891 thành lập trạm quan trắc khí tượng đầu tiên ở Nam Định; năm 1902 thành lập Trạm quan trắc Đông Dương ở Phù Liễn, Hải Phòng; năm 1956 thành lập Tổng cục KTTV, trực thuộc Chính phủ; năm 1975 tái thành lập Tổng cục KTTV từ Cục Dự báo Khí tượng và Cục Thủy văn. Đến 2002 đổi tên thành Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến năm 2018 tái thành lập Tổng cục KTTV, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5(1).jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Trần Hồng Thái cũng chia sẻ, ​Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu tác động của thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán có tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới nhiều vùng, nhiều lĩnh vực. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các thiên tai ngày càng khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan. Thiên tai đã ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần tăng cường hệ thống cảnh báo sớm cấp quốc gia. Hiện nay mạng lưới quan trắc và truyền tin của Việt Nam đã được quan tâm và đầu tư nhiều trang thiết bị, cụ thể: Có 186 trạm khí tượng bề mặt; 2.500 điểm đo mưa tự động; 14 trạm đo bức xạ; 232 trạm thủy văn; 26 trạm KTTV biển; 10 radar thời tiết; 179 trạm quan trắc môi trường không khí và nước và 18 trạm định vị sét.

6(1).jpg
Ngài António Guteres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Tại buổi làm việc,  Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã rất  xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh, bản đồ được trình chiếu. Đồng thời vui mừng khi cơ quan KTTV là 1 trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển, bảo vệ người dân, giảm phát thải, giúp cho các nhà chính trị hoạch định chính sách ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá cao hệ thống cảnh báo sớm trong giảm thiểu rủi ro thiên tai  cũng như công tác dự báo thời tiết, thủy văn của Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, khi có hệ thống cảnh báo sớm, chúng ta sẽ biết tai hoạ xảy ra và chúng ta sẽ có thời gian để sơ tán người dân, bảo vệ tài sản. Tất cả các mục tiêu mà chúng ta đang cố gắng thiết lập liên minh trong 5 năm tới là hệ thống cảnh báo ở các nước được xây dựng với mục đích chấm dứt những thảm hoạ ảnh hoả đến sinh mạng con người, tài sản.

 “Thực tế ở nhiều nơi trên thế giới đã không được may mắn như Việt Nam vì có hàng trăm, hàng nghìn người bị thiệt mạng do ảnh hưởng của thiên tai, đây là một điều đáng buồn"  -Ngài António Guteres nói.

1(1).jpg
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guteres, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thanh Tùng

Ngài António Guteres cũng đặc biệt lưu ý về việc ĐBSCL đang phải ứng phó với 2 nguy cơ là nước biển dâng và xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước từ thượng nguồn. Đây là hiểm hoạ không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng cần biết.  “Tôi hy vọng khi cháu của tôi đến thăm Việt Nam như tôi cách đây mấy năm đến ĐBSCL, cháu tôi sẽ thấy 1 khu vực xanh tươi, năng động với những hoạt động kinh tế, con người sống 1 cuộc sống thịnh vượng”, Ngài António Guteres nói.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trao quà lưu niệm cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã thăm, ghi sổ lưu niệm tại Phòng truyền thống ngành KTTV tại trụ sở Tổng cục KTTV.

Trước đó, nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đến Thủ đô Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-22/10.

Đây là chuyến thăm quan trọng của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, như phát biểu của Ngài António Guterres trước chuyến thăm, đó là thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự coi trọng của Liên hợp quốc đối với quan hệ đối tác Việt Nam-Liên hợp quốc trong 45 năm qua, khẳng định Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên Hợp Quốc, đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của Liên Hợp Quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển trên thế giới.

Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020 – 2021; được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025.

Thanh Tùng - Trần Văn