Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc
Trong nước - Ngày đăng : 14:35, 22/10/2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ hân hạnh đón tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại Nhà Quốc hội Việt Nam đồng thời nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng Thư ký có ý nghĩa đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc.
Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Liên Hợp Quốc là một đối tác quan trọng hàng đầu của đối ngoại đa phương, đã hỗ trợ rất thiết thực để Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh, phá thế bao vây, cấm vận, đổi mới toàn diện đất nước và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ Việt Nam cả về tài chính, kỹ thuật, cải cách thể chế kinh tế, hành chính công, luật pháp, giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống HIV/AIDS, phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng...
Trong đại dịch Covid-19, thông qua cơ chế COVAX, Liên Hợp Quốc đã cung cấp cho Việt Nam hơn 61,7 triệu liều vaccine, là nhân tố quan trọng hỗ trợ Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng và đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Liên Hợp Quốc là diễn đàn quan trọng hàng đầu để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế bằng việc tham gia, đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào hoạt động của Liên Hợp Quốc.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, kết quả chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên Hợp Quốc tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ vui mừng sang thăm Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là đất nước ông đã luôn dõi theo và hết sức khâm phục từ những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cho đến giai đoạn phát triển như ngày nay với những thành công rất lớn, trở thành tấm gương trong cộng đồng quốc tế về xóa đói giảm nghèo, phát triển và hội nhập quốc tế.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, Việt Nam luôn là một trong những thành viên hết sức năng động và có nhiều cống hiến cho Liên Hợp Quốc. Những thành công mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và những đóng góp với cộng đồng quốc tế đã góp phần khỏa lấp khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo, nhất là vào thời điểm hiện nay khi thế giới đang có nhiều biến động, các nguồn lực hiện không còn dồi dào sau đại dịch Covid – 19.
“Việt Nam là một tấm gương vô cùng đặc biệt. Tất cả những nỗ lực mà Việt Nam đã thể hiện trong thời gian vừa qua là một sự đột phá. Việt Nam hoàn toàn tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng. Các bạn là tấm gương về sự thống nhất để mang lại những lợi ích cho người dân”. Nhấn mạnh điều này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, “trên con đường phát triển của mình, Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn. Tiếng nói của các bạn là tiếng nói của phát triển”.
Phân tích những thách thức với cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia đang phát triển hiện nay, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, Việt Nam và Liên Hợp Quốc cần phải sát cánh bên nhau để có được sự bình đẳng trong phát triển kinh tế, không phải chỉ trong giai đoạn hiện nay mà còn mang lại sự công bằng, bình đẳng, tránh khoảng cách ngày càng lan rộng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển; đồng thời, nhấn mạnh một hệ thống kinh tế - xã hội công bằng sẽ mang lại cơ hội hỗ trợ rất lớn cho các nước đang phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn tình cảm mà Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã dành cho Việt Nam khi ngay từ những năm tháng thanh niên đã xuống đường ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và vẹn toàn lãnh thổ và sau này, trên nhiều cương vị công tác, đã luôn nỗ lực hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn và đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của các tổ chức Liên Hợp Quốc đối với Việt Nam và Quốc hội Việt Nam, nhất là trong các dự án hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ quan dân cử, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội trong thực hiện các chức năng được Hiến pháp và pháp luật quy định.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam là một trong những điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trong đó, có sự đóng góp xứng đáng của Quốc hội Việt Nam. Với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), ngay sau khi Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc được thông qua, Quốc hội Việt Nam là một trong những cơ quan lập pháp sớm nhất trên thế giới đã cụ thể hóa và thể chế hóa toàn bộ các khung phát triển bền vững vào hệ thống luật pháp và các chiến lược phát triển đất nước.
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai nhất quán chủ trương phát triển bền vững, phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Quốc hội Việt Nam đã thông qua 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 bao gồm: giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết trao thẩm quyền đặc biệt, đặc cách, đặc thù để Chính phủ chủ động kiểm soát dịch Covid-19, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, phục hồi tăng trưởng. Trên cơ sở của Nghị quyết này nhiều chính sách đã được ban hành, nhờ đó, năm 2022, Việt Nam đang “ngược dòng” thế giới khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, lạm phát ở mức thấp và đang đạt được những kết quả khá toàn diện trong phục hồi, phát triển. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống, trong đó có vai trò chủ động, tiên phong của Quốc hội.
Quốc hội Việt Nam cũng đang hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ theo các tiêu chuẩn quốc tế và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã cam kết để đảm bảo khuôn khổ pháp lý cho hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Quốc hội Việt Nam và Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã đóng góp rất tích cực vào quá trình cử lực lượng gìn giữ hòa bình, các chương trình hợp tác ba bên của LHQ với đối tác Việt Nam và một bên thứ ba như châu Phi.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tiếp tục quan tâm, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa Quốc hội Việt Nam với các hoạt động của Liên Hợp Quốc, giữa các cơ quan của Liên Hợp Quốc với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cũng như các cơ chế đa phương liên quan khác. Đánh giá cao việc Liên Hợp Quốc và IPU đã luôn đồng hành trong các vấn đề toàn cầu; nêu rõ, Quốc hội Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào quá trình này.
Trong thực hiện SDGs, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng cũng vẫn còn gặp nhiều thách thức như: tác động tiêu cực nhiều mặt của đại dịch Covid – 19, thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, tác động của các khủng hoảng và xung đột đối với phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, nhất là tại các nước đang phát triển... Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ các cơ quan Quốc hội nâng cao năng lực, kỹ năng trong hoàn thiện chính sách và hành lang pháp lý, giám sát triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, trong đó có lồng ghép hiệu quả các SDGs và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn ủng hộ những nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong đề cao ưu tiên ứng phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ những thách thức đang đặt ra đối với Việt Nam và các quốc gia đang phát triển trong thực hiện các mchuyển đổi năng lượng như: chi phí chuyển đổi năng lượng quá lớn, tác động trực tiếp đến khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước, sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân; trong khi đó, hợp tác với các nước trong tiếp cận công nghệ, các nguồn tài chính xanh hiện vẫn hết sức khó khăn; việc xây dựng các khung khổ thể chế để có thể chuyển đổi năng lượng một cách công bằng, bền vững... Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Liên Hợp Quốc cùng với các cơ quan của Quốc hội Việt Nam tổ chức đối thoại về chuyển đổi năng lượng; mong muốn Liên Hợp Quốc có vai trò ngày càng lớn hơn trong hợp tác chuyển đổi năng lượng quốc gia công bằng và bền vững để hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập những thách thức về chuyển đổi số, nhất là các vấn đề về “niềm tin số”, “chủ quyền số”, an toàn, an ninh thông tin trên mạng internet...; cho rằng, đây là những bài toán phải giải quyết hài hoà trong hội nhập quốc tế.
Theo Chủ tịch Quốc hộ, Liên Hợp Quốc cần thiết và hoàn toàn có thể đóng vai trò dẫn dắt trong việc thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác quốc tế để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng cũng như chuyển đổi số. “Quốc hội Việt Nam hiện cũng đang tập trung nỗ lực vào hai thách thức, xây dựng và hoàn thiện khung khổ thể chế thích hợp để tận dụng được cơ hội, khắc phục được những khó khăn, thách thức, thậm chí cả những rủi ro để đảm bảo được nhu cầu phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về vấn đề biển và đại dương, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là Hiến pháp về biển và đại dương có tính toàn vẹn và phổ quát, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển. Việt Nam sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với các thách thức chung làm ảnh hưởng đến hòa bình hữu nghị, an ninh, an toàn và tự do hàng hải.
Chia sẻ các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết, đây cũng là những vấn đề được Liên Hợp Quốc rất quan tâm; khẳng định sẽ hoàn toàn hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết và mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở bình đẳng giữa tất cả các quốc gia. Vừa qua, Liên Hợp Quốc đã đưa chuyển đổi số, an ninh mạng vào chương trình nghị sự về công nghệ, do đó, Liên Hợp Quốc có thể cử chuyên gia hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Về vấn đề biển Đông, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc hoan nghênh các sáng kiến của Việt Nam; khẳng định Liên Hợp Quốc luôn hỗ trợ hết sức Việt Nam theo khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
“Việt Nam và Quốc hội Việt Nam luôn tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc nhất quán tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp là con đường để đạt được nền hòa bình bền vững, thịnh vượng cho nhân dân và xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ với quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị giữa các quốc gia. Trong sự nghiệp này, Liên Hợp Quốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Việt Nam luôn luôn và mãi mãi là một thành viên chủ động, có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.