Tam Nông – Phú Thọ: Núp bóng “cải tạo, hạ cốt nền” để khai thác đất?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 10:22, 22/10/2022

Với chiêu bài “cải tạo, hạ cốt nền”, nhiều quả đồi ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ vốn là đất trồng rừng sản xuất bỗng chốc trở thành “đại công trường” khai thác đất san lấp.
img_20221013_173719-1-.jpg

Việc cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng đất trồng rừng sản xuất được “biến tướng” thành mỏ khai thác đất.

Văn bản chấp thuận của ông Quách Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, cho phép “cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng đất trồng rừng sản xuất” đã khiến cho nhiều khu đồi đất rừng sản xuất ở các xã của huyện Tam Nông có nguy cơ bị san phẳng.

Dư luận đặt câu hỏi nghi vấn: Việc “cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng đất trồng rừng sản xuất” có phải là chiêu thức lách luật để khai thác khoáng sản trái phép?. Có hay không “lợi ích nhóm” ở đây?.

Trao đổi với phóng viên, một người dân (xin được không nêu tên), nhà ở Khu 1, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông cho biết: “Thời gian qua, nhân dân trong xã rất bức xúc về tình trạng đất rừng nông nghiệp bị tàn phá không thương tiếc để khai thác đất. Hằng ngày có nhiều xe tải rầm rập nối đuôi nhau ra vào các điểm khai thác đất của Công ty Đức Trí ở trên địa bàn xã để lấy đất chở đi các nơi tiêu thụ. Đường làng thì nhỏ, toàn ô tô trọng tải lớn chiếm hết cả lòng đường, ngày nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì trơn trượt...”.

img_20221013_175215-1-(1).jpg

Một địa điểm khai thác đất của Công ty Đức Trí ở khu 1, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.

Một người dân khác (cũng xin được không nêu tên), nhà ở khu 20 xã Vạn Xuân cho phóng viên biết thêm: “Các khu vực khai thác đất ở các xã trên địa bàn huyện Tam Nông phần lớn là đất trồng rừng sản xuất. Người dân ở đây đơn thuần làm nông nghiệp đâu có biết gì về thủ tục mà là do công ty họ đến mua đất, thủ tục họ tự đi lo người dân chỉ việc ký vào, rồi công ty họ tự đi làm thủ tục xin cấp phép… Làm thủ tục xong họ cho máy xúc, ô tô vào khai thác chở đất đi các nơi tiêu thụ. Giấy phép “hạ cốt nền” huyện chỉ cấp được một khối lượng nhỏ, Nhưng trên thực tế công ty họ khai thác có dấu hiệu vượt lên gấp nhiều lần, có những điểm hết hạn giấy phép, công ty họ lại xin gia hạn giấy phép...”.

Trao đổi với phóng viên về tình trạng khai thác đất trên địa bàn xã Hương Nộn, ông Long - cán bộ địa chính xã cho biết: Những khu vực khai thác đất trên địa bàn xã đều được huyện cấp phép và cho phép các doanh nghiệp vào khai thác

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Chỉ bằng một văn bản chấp thuận do ông Quách Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông ký, nhiều doanh nghiệp đã khai thác đất đồi với danh nghĩa phối hợp với các hộ dân để được “cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng đất trồng rừng sản xuất”. Có nhiều khu vực trong cùng một xã được liên tục cấp cho các hộ dân có đồi như ở xã Hương Nộn. Công ty Đức Trí (địa chỉ ở khu 2, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông) đã liên tục được cấp giấy vận chuyển đất cho nhiều hộ dân tại đây.

Ví dụ như: Ngày 21/7/2022, UBND huyện Tam Nông ra văn vản số 1536/UBND – TNMT chấp thuận cho bà Trương Thị Hiền, khu 1, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông được cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng đất trồng rừng sản xuất. Diện tích loại đất 8.546,4m2 đất trồng rừng sản xuất; diện tích xin cải tạo: 2.129,7 m2. Khối lượng đất dư thừa sau cải tạo: 9.422,0m2. Khối lượng đất thừa sau cải tạo, bà Trương Thị Hiền, chủ phương án sẽ hợp đồng với Công ty CPXD Đức Trí, khu 2 xã Hương Nộn để tận dụng vận chuyển san lấp công trình đấu giá QSDĐ ở và làm đường theo quy định...

Cũng trong ngày 21/7/2022, UBND huyện Tam Nông ra văn bản số 1535/UBND – TNMT về việc chấp thuận cho Công ty CPXD Đức Trí, khu 2 xã Hương Nộn, huyện Tam Nông được vận chuyển đất dư thừa khi cải tạo, hạ cốt, san gạt mặt bằng, đất trồng rừng sản xuất để phát triển kinh tế của hộ bà Trương Thị Hiền tại khu 1, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông để đắp nền công trình theo quy định...

img_20221014_082439-1-.jpg

Đất ở điểm khai thác của Công ty Đức trí chở về đổ vào dự án đường QL32C

Theo chân những chiếc xe chở đất tại điểm mỏ này, phóng viên ghi nhận đoàn xe chở đất về huyện Lâm Thao và đổ vào san lấp mặt bằng dự án đầu tư hoàn chỉnh QL 32, đoạn qua TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Và gói thầu này do Công ty TNHH xây dựng Tự Lập thi công dự án.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương cần sớm kiểm tra, làm rõ việc ký văn bản cho phép “cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng đất trồng rừng sản xuất” của UBND huyện Tam Nông liệu có đúng quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản?.

Đối với các doanh nghiệp được UBND huyện Tam Nông cho phép phối hợp với các hộ dân “cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng đất trồng rừng sản xuất” để khai thác đất chở đi phục vụ các dự án thì cần phải kiểm tra xem có hay không diện tích đất đã khai thác vượt giấy phép? Nếu phát hiện vi phạm, cần phải xử phạt và truy thu khối lượng khoáng sản đã khai thác trái phép.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh những tồn tại trong khai thác khoáng sản ở địa phương này.

Bài & ảnh: Nhật Lam - Đà Giang