Bảo vệ rừng đẩy lùi nghèo đói

Xã hội - Ngày đăng : 18:06, 21/10/2022

(TN&MT) - Sự đói nghèo và thiếu hiểu biết là nguyên nhân chính đẩy nạn phá rừng lên cao, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để vừa có thể bảo vệ rừng, vừa có thể đảm bảo lợi ích về kinh tế cho 25 triệu người dân đang hàng ngày sống phụ thuộc phần lớn vào nguồn tài nguyên rừng...

Người dân hưởng lợi từ chính sách giao khoán rừng

Để tạo điều kiện cho người dân sống gần rừng được dựa vào rừng để có việc làm, tăng thu nhập mà không phá rừng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện Nghị định này có hiệu quả, góp phần ổn định đời sống người dân sống gần rừng và nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

7_1-1-.jpg
 Giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý, bảo vệ  đã tạo ra được động lực phát triển kinh tế cho hộ gia đình

Đơn cử tỉnh Quảng Trị, ngay sau khi Nghị định 75/2015/NĐ-CP được ban hành, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 5 huyện là Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và 5 đơn vị thực hiện nhiệm vụ trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là các Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông; lưu vực sông Bến Hải; Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông; Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa; dự án bảo vệ và phát triển rừng khu vực biên giới huyện Đakrông.

Hằng năm, các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho khoảng 1.200 lao động địa phương và 20 cộng đồng thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh nhận khoán bảo vệ trên 45.000 ha diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng phòng hộ, trong đó kinh phí chủ yếu đều thực hiện theo Nghị định 75. Trong 4 năm từ 2016- 2019, tổng diện tích rừng giao khoán bảo vệ 138.185 lượt ha với tổng kinh phí 48.561 triệu đồng. Ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước, đối với khu vực các nhà máy thủy điện hằng năm nộp quỹ bảo vệ rừng của tỉnh khoảng 10- 14 tỉ đồng để thực hiện công việc bảo vệ và phát triển rừng. Với kinh phí này mỗi năm hỗ trợ cho khoảng 2.500 hộ gia đình và 13 cộng đồng thôn, bản và 18 chủ rừng với tổng diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng 50.454 ha. Ngoài ra, người dân còn tham gia trồng rừng phòng hộ cũng được nhà nước hỗ trợ kinh phí trồng.

Theo Báo cáo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa chỉ tính riêng năm 2019, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã giao cho 69 hộ dân ở xã Hướng Lập và Hướng Việt nhận khoán bảo vệ 6.500 ha rừng đặc dụng. Mỗi năm Ban quản lý Khu bảo tồn chi trả cho người dân gần 2 tỉ đồng tiền công bảo vệ rừng. Khoản tiền này giúp cho các hộ dân sống trong vùng lõi, vùng đệm của khu bảo tồn ổn định đời sống và yên tâm bảo vệ rừng.

Công tác giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý, bảo vệ đã được chính quyền địa phương, người dân đồng thuận cao và thực hiện rất tốt. Từ đó rừng được bảo vệ tốt, tăng độ che phủ, nâng cao chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển rừng nguyên liệu xóa đói, giảm nghèo

Ngoài giao khoán rừng cho cộng đồng chăm sóc, quản lý, bảo vệ bảo vệ, nhiều địa phương còn phát triển trồng rừng nguyên liệu. Tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An,bình quân, mỗi năm toàn huyện trồng từ 1.500-1.800ha rừng keo. Bà con các dân tộc thiểu số trong huyện nói chung và nhất là vùng tả ngạn sông Lam như Mậu Đức, Bình Chuẩn, Thạch Ngàn, Đôn Phục đã xác định nghề trồng rừng keo nguyên liệu là “đòn bẩy” giúp cho họ thoát nghèo, thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương

to_tuan_rung_do_anh_to_ich_trong_dan_dau_20220801215455.jpg
Người dân  tuần tra rừng được Nhà nước giao khoán bảo vệ

 Cùng với phát triển rừng keo nguyên liệu, huyện Con Cuông còn là một trong những “thủ phủ” trồng tre, mét ở tỉnh Nghệ An với hơn 3.000ha đang cho khai thác. Cây tre, mét được trồng tập trung ở các xã: Châu Khê, Bồng Khê, Chi Khê, Bình Chuẩn, Lạng Khê, Môn Sơn, Lục Giạ… Bình quân mỗi năm, người dân ở huyện thu hoạch, bán ra thị trường hơn 1,5 triệu cây, đạt doanh thu 30 tỷ đồng.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đang đẩy mạnh trồng các loài cây phù hợp với điều kiện lập địa, trong đó ưu tiên trồng các loài cây gỗ lớn, cây đa mục đích, cây bản địa nhằm nâng chất lượng, hiệu quả trồng rừng. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 97.867,5 ha diện tích rừng trồng trong đó: Cây Keo là 26.253,8ha; Cây Mỡ 44.835,5ha; Cây Thông 8.554,4ha; Cây Quế 3.536,5ha; Cây Hồi 3.564,7ha; Các loài cây khác 11.122,6ha.

Tỉnh Kon Tum, thời gian qua đã phát triển rừng bền vững và trồng dược liệu dưới tán rừng thu hút người dân tham gia phát triển kinh tế rừng, cải thiện sinh kế từ rừng. Mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2020-2025 là bảo vệ trên 609.468 ha rừng hiện có, trồng mới thêm 10.000 ha rừng, nâng cao độ che phủ rừng lên 63,75%.

Rõ ràng tài nguyên rừng đóng vai trò quan trọng đối với hàng triệu người Việt Nam trong việc trợ giúp cho quá trình giảm nghèo. Hàng loạt các dự án đã và đang triển khai trên phạm vi toàn quốc và đem lại những kết quả cao không chỉ cho việc phát triển diện tích rừng của Việt Nam trong thời gian tới mà đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng và bảo vệ rừng. .

Linh Chi

Box:Đánh giá về việc thực hiện Nghị định số 75 ngày 09/9/2015 của Chính phủ, ông Đinh Công Sỹ, đại biểu quốc hội đoàn Sơn La cho rằng, qua gần 5 năm thực hiện Nghị định đã đạt được những thành quả nhất định và đáng ghi nhận. Nếu chính sách này tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tới hoặc được lồng ghép vào tiểu dự án 1 của dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân sẽ .gắn kết được sinh kế của người dân với phát huy lợi thế từ rừng trồng, rừng khoanh nuôi

Linh Chi