Công nghệ mới thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 14:44, 21/10/2022
Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững
Ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Hiện nay, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng, tác động mạnh mẽ đến môi trường sống, gây ra những bệnh tật nguy hiểm. Đây là thách thứ to lớn, thúc đẩy các quốc gia cần phải nhìn nhận, thay đổi chiến lược phát triển của mình, xác định phát triển kinh tế phải đảm bảo không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh - sạch - nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Để giải quyết các vấn đề đó, nền kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp tiềm năng đầy hứa hẹn. Trong đó, việc ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, từ đó tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên.
Còn bà Trần Thị Mai Yến, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương (OIF) khẳng định sự hình thành và phát triển của kinh tế tuần hoàn là cơ hội để đáp ứng các nhu cầu chuyển đổi phương thức tiêu dùng, sản xuất và khai thác tài nguyên theo định hướng phát triển bền vững. Bà tin tưởng rằng, Diễn đàn quốc tế Franconomics lần thứ IV 2022 với sự quy tụ của các chuyên gia đầu ngành sẽ làm rõ những tiềm năng và thách thức của kinh tế tuần hoàn, các mô hình cần triển khai cũng như các biện pháp cần thiết để để phát triển nền kinh tế theo định hướng tuần hoàn.
Chủ động xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh tuần hoàn
Tại các Phiên thảo luận, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã chia sẻ và giới thiệu các công nghệ cơ bản và các yếu tố thành công cốt lõi để triển khai nền kinh tế tuần hoàn; đồng thời, phân tích các cơ hội hợp tác quốc tế để phát triển nền kinh tế tuần hoàn; đề xuất các hình thức lan tỏa các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với các nền kinh tế đa dạng trong khối Pháp ngữ.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn trên cơ sở các quy định và chính sách về phát triển bền vững như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp…
Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được trách nhiệm xã hội và xây dựng các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mình, đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế như. Đặc biệt, trong lĩnh vực tái chế, nhiều mô hình kinh doanh tuần hoàn đã được vận hành và đem lại những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn chưa có tính hệ thống.
Vì vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn cho tương lai, ông Nguyễn Hoa Cương cũng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp. Cụ thể, đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường nhận thức về kinh tế tuần hoàn nói chung, kinh doanh tuần hoàn nói riêng đặc biệt về vai trò và cách thức triển khai mô hình, về các chủ trương, định hướng, chính sách phát triển kinh doanh tuần hoàn.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế tuần hoàn đặc biệt là các quy định cụ thể nhằm khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nhu cầu của thị trường; phát triển khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn; đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan trong hoạt động khoa học. Đồng thời, xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là xây dựng sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, quy mô.
Đối với doanh nghiệp, cần đẩy mạnh thực hiện phân tích chi phí - lợi ích (CBA) của mô hình kinh doanh tuần hoàn mà doanh nghiệp dự kiến áp dụng trước và sau khi chuyển đổi để thấy rõ được tiềm năng, lợi ích của việc chuyển đổi; tham gia có hiệu quả các chuỗi liên kết, mạng sản xuất, từ trong nước đến phạm vi khu vực và toàn cầu để tăng cường sự kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhất là đối với các doanh nghiệp có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào. Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp 9R gắn với tư vấn từ các chuyên gia để giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn, từ chuyên gia chính sách, thiết kế, công nghệ…; chú trọng phát triển thị trường đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt là hướng tới các thị trường xuất khẩu ở các nước phát triển.