Hoàn thiện quy định danh mục chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan TN&MT tại địa phương

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:25, 21/10/2022

(TN&MT) - Sáng 21/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã có buổi làm việc với Vụ Tổ chức cán bộ Bộ TN&MT và một số đơn vị liên quan về Dự thảo Thông tư quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại chính quyền địa phương.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Giang Đức Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158; Bộ trưởng đã ban hành Thông tư số 59/2014/TT-BTNMT ngày 11/11/2014 quy định danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức ngành TN&MT. Tuy nhiên, tại điểm d, điểm h khoản 2 Điều 88 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP đã bãi bỏ Nghị định số 158/2007/NĐ-CP và Nghị định số 150.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 24 Luật Phòng, chống tham nhũng, quy định “Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình” và khoản 1 Điều 36 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, quy định “Bộ trưởng quy định thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương”.

img_9825.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Thực hiện các quy định này, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã phê duyệt Quyết định số 2085/QB-BTNMT ngày 26/10/2021 ban hành danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ.

Đồng thời, để xây dựng Thông tư quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực TN&MT tại chính quyền địa phương Bộ đã giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì xây dựng.

Cũng theo ông Giang Đức Trung, thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ soạn thảo đã hoàn thiện Dự thảo trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức bảo đảm theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau đó, Bộ đã gửi Công văn lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương; đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Sau đó, Bộ tiếp tục có Công văn gửi các đơn vị trực thuộc Bộ để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư.

Theo đó, Vụ Tổ chức cán bộ đã nhận được 64 góp ý của Bộ, ngành, địa phương, cá nhân và 23 đơn vị trực thuộc Bộ và một ý kiến góp ý của cá nhân góp ý trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. Sau khi nhận được ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị trực thuộc Bộ, Tổ soạn thảo, Vụ Tổ chức cán bộ đã tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Thông tư và có Công văn gửi Vụ Pháp chế đề nghị thẩm định đối với dự thảo Thông tư. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, Vụ đã tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Thông tư theo ý kiến thẩm định.

“Việc xây dựng dự thảo Thông tư được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Thông tư bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật”, ông Giang Đức Trung nhấn mạnh.

Theo đó, Dự thảo Thông tư quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực TN&MT tại chính quyền địa phương gồm 8 điều. Trong đó về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Tổ soạn thảo dự thảo theo hướng làm rõ “phạm vi điều chỉnh” là “các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường” và “đối tượng áp dụng” là “cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức”.

Về danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi gồm: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất, giao đất, quyền sở hữu, sử dụng tài sản gắn liền với đất.  Cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Cấp giấy phép xử lý, vận chuyển chất thải nguy hại. Cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường. Cấp giấy phép về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước vào nguồn nước. Xử lý hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu, sử dụng tài sản gắn liền với đất. Bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất; giao hạn mức đất; quản lý việc áp dụng đền bù, xác định người sử dụng đất thuộc đối tượng bồi thường, được hỗ trợ; mức bồi thường, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng. Xử lý vi phạm về môi trường.

Về thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là đủ từ 2 năm đến 5 năm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi. Góp ý vào Dự thảo, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, xem xét lại danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác cán bộ xử lý “vi phạm về môi trường” rất khó xác định được vị trí công tác.

Theo Tổng cục trưởng, các cán bộ khi thi hành công vụ phát hiện vi phạm thì phải kịp thời lập biên bản, chuyển người có thẩm quyền xử lý, do đó, việc tham gia phát hiện và xử lý vi phạm môi trường là trách nhiệm của tất cả cán bộ nên không thể xác định được vị trí công tác. Đồng thời, việc xử lý vi phạm môi trường thường được thực hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, do đó, nên quy định việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác ở nội dung thanh tra, kiểm tra mới có nhiều ý nghĩa trong phòng, chống tham nhũng….

Tổng cục trưởng cũng đề nghị rà soát lại danh mục vì hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bãi bỏ giấy phép: Cấp giấy phép xử lý, vận chuyển chất thải nguy hại; Cấp giấy phép xả nước vào nguồn nước và tích hợp thành nội dung trong giấy phép môi trường; Pháp luật về môi trường không quy định về cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường…

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ, Tổ soạn thảo Dự thảo Thông tư rà soát các quy định có liên quan, đồng thời, làm việc với Tổng cục Môi trường về những nội dung còn có ý kiến khác nhau để sớm hoàn thiện Dự thảo.

Thúy Nhi