Quảng Nam: Sạt lở là do việc đắp đập tạm ngăn mặn?

Môi trường - Ngày đăng : 09:02, 21/10/2022

(TN&MT) - Thời gian gần đây, bờ sông Vu Gia đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở với mức độ nghiêm trọng cuốn trôi đất sản xuất và uy hiếp nhà cửa của người dân. Bà con khu vực này cho rằng nguyên nhân của tình trạng sạt lở là từ việc đắp đập ngăn mặn.

Mất ăn, mất ngủ vì sạt lở

Theo người dân địa phương, khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở sông Vu Gia, đoạn qua địa bàn thôn Phú Nghĩa trở nên nghiêm trọng, nhiều diện tích đất canh tác của người dần bị thu hẹp. Đáng chú ý, sau cơn bão số 4 và số 5 cùng với đợt mưa lịch sử vừa qua khiến lũ trên thượng nguồn đổ về cuốn băng đi nhiều diện tích đất sản xuất. Sạt lở cũng đã khiến khoảng 1 km bờ kè bảo vệ hai bên bờ sông Vu Gia, đoạn qua thôn Phú Nghĩa, bị đánh sập…

Xót xa nhìn mảng đất canh tác của gia đình bị dòng nước cuồn cuộn cuốn trôi, ông Ngô Xung (54 tuổi, trú thôn Phú Nghĩa) cho biết, từ mùa mưa lũ năm 2019 đến nay, sạt lở xảy ra trên diện rộng khoảng, nuốt hơn 1 hécta đất, ngày càng nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

daian4.jpg
Bờ sông sông Vu Gia, đoạn qua địa bàn thôn Phú Nghĩa bị sạt lở nghiêm trọng 

Tình trạng sạt lở chỉ còn cách nhà ông Xung hơn 10 m, nguy cơ căn nhà hai vợ chồng ông tích cóp bao nhiêu năm bị đổ sập xuống sông hiện trước mắt. 

Theo ông Xung, nguyên nhân khiến bờ sông Vu Gia bị sạt lở nghiêm trọng như hiện nay là do trước đó tỉnh Quảng Nam có chủ trương đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để lấy nước về giải mặn cho TP Đà Nẵng. “Trước khi xây đập thì chẳng có thấy vấn đề gì sạt lở cả nhưng từ khi làm xong đập thì sạt lở nghiêm trọng hơn”, ông Xung nói.

daian6.jpg
Sạt lở đã nuốt hơn 1 hécta đất, ngày càng nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Không chỉ có hộ nhà ông Xung, ở khu vực này còn có 6 hộ khác là ông Nguyễn Đức Sỹ, ông Ngô Quyên, ông Trần Khương, bà Huỳnh Thị Mai, Huỳnh Thị Huệ và Lê Thị Tám cũng đang nằm gần điểm sạt lở. Nơi gần nhất từ 10 m và xa nhất là 25 m.

“Sau đợt mưa lũ vừa rồi, sạt lở rất khủng khiếp. Có những đêm sạt lở tận 20- 40 m, áp sát gần nhà dân. Đất sản xuất mất thì mình kiếm chuyện khác làm nhưng căn nhà tích góp bao năm mới xây dựng được giờ đang nằm trước miệng “hà bá” thế này khiến tôi mất ăn mất ngủ. Nó mà đổ sập xuống sông thì không biết chỗ nào ở”, bà Huỳnh Thị Mai buồn bã nói.

z3813814852621_eb4992abdd08e7b67330e27eaa4aa5f8.jpg
Người dân nghi tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng do đập tạm ngăn mặn trên sông 

Hiện chính quyền địa phương đã giăng dây, đặt biển cảnh báo cấm người dân đến khu vực sạt lở nguy hiểm. Đồng thời, huy động lực lượng dân quân, thanh niên, công an đến di dời khẩn cấp nhiều hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông Vu Gia để nhằm đảm bảo an toàn.

Khẩn cấp di dời dân

Ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, tình trạng sạt lở bắt đầu từ năm 2020, nhưng sau đợt bão số 4, số 5 mới đây thì khu vực này sạt lở diễn ra nặng nề hơn. Với tốc độ sạt lở như hiện nay thì chỉ cần một trận lụt lớn nữa là các hộ dân nằm sát sông sẽ bị cuốn trôi.

“Địa phương đã lên phương án và đến nhà 7 hộ dân nằm gần khu vực sạt lở để tập trung di dời xen ghép đến nơi an toàn. Trước mắt địa phương chưa có hỗ trợ cho bà con nhưng sau này sẽ có phương án hỗ trợ bằng nguồn xã hội hóa và kinh phí từ cấp trên”, ông Hòa nói.

daian1.jpg
Chính quyền địa phương đã giăng dây, đặt biển cảnh báo cấm người dân đến khu vực sạt lở nguy hiểm

Trước ý kiến của người dân cho rằng tình trạng sạt lở là do việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế - Vu Gia để lấy nước về giải mặn cho TP Đà Nẵng thì ông Hòa cũng thừa nhận có thể đây là một phần nguyên nhân.

“Việc đắp đập tạo nên độ chênh lệch mực nước ở trên và dưới đập quá cao nên khi lũ về thì dòng nước chảy mạnh từ trên xuống gây xói lở. Lúc đầu thì một đoạn, sau dần nhiều hơn”, ông Hòa nói.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, sáng 19/10, địa phương đã khảo sát, tìm hướng khắc phục tạm thời vấn đề sạt lở này. Qua khảo sát, mực nước sáng nay thấp hơn gần 3 m so với hôm qua nên có điều kiện để tiến hành gia cố, bảo vệ bờ tại khu vực.

z3813815605122_03d745cafc932e6a71fac35d534fe59f.jpg
Lực lượng thanh niên hỗ trợ người dân khu vực sạt lở ven sông di dời, sơ tán nhà cửa đến ở tạm nơi an toàn hơn

“Hiện địa phương đã huy động máy móc, vật tư, nhân lực đến điểm sạt lở triển khai biện pháp kè mềm bằng bao tải cát, cọc tre nhằm giữ chân mái taluy bị sạt. Tôi đã chỉ đạo các ngành của huyện khẩn cấp thực hiện kè mềm này nhằm gia cố tạm thời, hạn chế sạt lở trong đợt mưa sắp tới đây. Qua đó, bảo vệ công trình, nhà cửa, đường dân sinh cho nhân dân”, ông Quang nói.

Về giải pháp lâu dài, ông Quang cho biết sẽ kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để đầu tư kè lại đoạn sạt lở này.

Liên quan đến vấn đề đập tạm trên sông Quảng Huế - Vu Gia, ông Quang cho biết sẽ làm việc với các cơ quan liên quan xem xét kỹ lại vấn đề của đập tạm này. Việc người dân cho rằng nguyên nhân chính khiến sạt lở nghiêm trọng là do đập tạm thì chưa thể chắn chắc được, cần phải có sự khảo sát, đánh giá kỹ lượng của các nhà chuyên môn.

Trước tình trạng nước sông ở Đà Nẵng nhiễm mặn một cách thường xuyên từ từ năm 2010, sau khi các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 ở thượng nguồn sông Vu Gia tích nước và đi vào vận hành, Đà Nẵng phải thực hiện nhiều biện pháp như đắp đập tạm ở sông Quảng Huế để ngăn nước sông Vu Gia chảy qua sông Thu Bồn, đưa cửa thu nước thô lên thượng nguồn sông Cẩm Lệ, đóng kè ngăn nước mặn xâm thực ở hạ lưu nhà máy nước Cầu Đỏ...

Lan Anh