Bến Tre huy động nguồn lực ứng phó BĐKH giúp giảm nghèo bền vững

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:02, 21/10/2022

(TN&MT) - Tỉnh Bến Tre có chiều dài bờ biển 65km nhưng lại có đến 21km xói lở nghiêm trọng làm mất đất, mất rừng, gây ảnh hưởng và thiệt hại nhiều nhà ở, hoa màu và các công trình phục vụ dân sinh. Thời gian qua, Bến Tre đã và đang huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở bằng các hình thức khác nhau, nhằm giúp ổn định đời sống sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
h1.jpg
Dấu tích ngôi nhà còn sót lại do sạt lở bờ biển tại Cồn Ngoài, huyện Ba Tri

Vẫn còn đó nỗi lo

Mới đây, chúng tôi có dịp theo chân đoàn công tác của tỉnh Bến Tre đi khảo sát thực tế để tìm hiểu về tình hình xâm thực, cũng như việc đầu tư xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ biển, bảo vệ đời sống và sinh kế của người dân vùng ven biển Bến Tre. Quả thực, có đến tận nơi, tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được niềm vui lẫn nỗi buồn của bà con đối với sự cần thiết những tuyến đê bao "vững chắc" bảo vệ bờ biển để giúp họ an tâm lao động, sản xuất.

Có mặt ở bờ biển Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri), đây là một trong những khu vực sạt lở diễn ra nhanh và mang tính phức tạp nhất của tỉnh Bến Tre trong những năm qua. Hiện nay, dù mới bắt đầu vào mùa gió chướng, nhưng triều cường vẫn dâng cao, từng cơn sóng dữ vỗ sầm sập như muốn “nuốt chửng” đê bao bảo vệ đất sản xuất của người dân.

Chỉ tay về hướng đoạn đê biển vừa mới được đầu tư xây dựng, bà Lê Thị Phượng - là người dân sống lâu năm nơi đây chia sẻ, trước kia, nơi này là những cánh rừng mắm, đước, phi lao cao vút chạy dài từ bờ bao ra biển tới hàng trăm mét. Mấy năm gần đây, cứ vào mùa gió chướng thổi mạnh, từng cơn sóng dữ liên tục ập vào, cuốn phăng những khu rừng, xâm thực vào đất liền với tốc độ nhanh đến kinh ngạc. Theo bà Phượng, từ khi có công trình bảo vệ bờ biển, không riêng gì bà mà hầu hết người dân ở nơi đây rất vui mừng và an tâm làm ăn sinh sống.

h2.jpg
Người dân gia cố tạm thời đê bao bờ biển bảo vệ đất sản xuất

Cách đó không xa, tại khu vực bờ biển chưa được đầu từ đê bao và bên ngoài không còn rừng ngập mặn che chắn, chúng tôi gặp anh Mai Văn Tia, anh cùng vợ đang tất bật dùng bao bố chứa cát biển gia cố tạm thời đê bao bảo vệ phần đất của mình. Anh Tia than thở: “Gia đình tôi có hơn 10.000 m2 đất giáp biển để trồng hoa màu nhưng đã bị sạt lở cuốn trôi gần hết. Trong 10 năm qua, tôi đã phải di dời nhà 3 lần để chạy lở, giờ chỉ còn khoảng 1.000 m2 nhưng cũng không trồng gì được. Hiện mùa gió chướng đã bắt đầu thổi mạnh, nếu sóng biển tiếp tục tràn vào chắc chắn gia đình phải rời bỏ đi nơi khác để ở nhờ vì sẽ không còn đất”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đa số người dân vùng ven biển nơi đây có cuộc sống còn khó khăn với nghề nuôi thủy sản, trồng hoa màu trên đất giồng cát. Việc xói lở mất nhà, mất đất càng gây gánh nặng, khó khăn chồng chất cho người dân địa phương. Bởi thế, khi thấy chúng tôi đưa máy ảnh về phía những gốc cây rừng trơ trọi, nằm ngỗn ngang giữa bãi nước mênh mông, với đôi mắt đỏ hoe, chị Nguyễn Thị Lụm (xã Bảo Thuận) tâm tư: “Người dân ở xứ này bây giờ cần lắm những tuyến đê kè vững chắc, làm sao cho cát bùn bồi tụ, cây rừng mọc lại. Bây giờ sạt lở ăn sâu, ngày đêm thấy từng cơn sóng biển đập vào là chúng tôi càng phập phòng lo sợ”.

Cũng giống như ở Cồn Ngoài, tại bờ biển Cồn Bửng (xã Thạnh Phong), Cồn Lợi (xã Thạnh Hải), huyện Thạnh Phú, những dãy cây rừng phòng hộ làm nhiệm vụ chắn sóng ven biển cũng đã bị nước đánh trôi, nhiều tuyến đê ven bờ cũng bị xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng, làm cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn. Và chính họ cũng khát khao sớm có được những tuyến đê bao an toàn để bảo vệ đời sống, sản xuất.

h3.jpg
Dự án kè mềm sử dụng túi Geotube giảm sóng được thí điểm tại Cồn Bửng, huyện Thạnh Phú

Hướng đến phát triển bền vững

Trao đổi về tình trạng sạt lở, ông Nguyễn Văn Điền - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Bến Tre cho hay, tỉnh nằm giáp biển, với đường bờ biển dài, hàng năm do nước biển dâng cao gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, làm mất đất sản xuất, nhà ở của người dân bị cuốn trôi. Đến nay, xói lở bờ biển qua thống kê có tổng chiều dài khoảng 21km, làm mất khoảng 200ha đất và 54ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển.

Theo ông Nguyễn Văn Điền, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã hỗ trợ Bến Tre triển khai đầu tư xây dựng các công trình nhằm khắc phục, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 5 dự án khắc phục tình trạng xói lở bờ biển, với tổng chiều dài hơn 4,5km, tổng mức đầu tư gần 230 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khu vực bờ biển ở Bến Tre bị sạt lở cần được xử lý, nhằm bảo vệ an toàn cho đời sống và sản xuất ở vùng cửa sông, ven biển.

Trước thực tế đó, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã đưa ra nhiều giải pháp để chống sạt lở. Một trong những giải pháp được lựa chọn là sử dụng kè mềm bằng túi Geotube tại bờ biển Cồn Bửng (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú). Túi kè mềm được đặt cách bờ khoảng 100m và được bơm đầy cát để làm đê giảm sóng, giữ cát, phù sa tạo bãi bồi. Công trình có chi phí xây dựng thấp, chỉ bằng 1/5 so với kè cứng nhưng tuổi thọ được từ 5 đến 8 năm. Qua 2 năm thử nghiệm, hiệu quả thấy rõ là gây bồi, tạo bãi nên bờ biển Cồn Bửng đã không còn tình trạng sạt lở như trước. Trong đó, công trình có nhiều mặt tích cực là thân thiện với môi trường, không chỉ chống sạt lở mà giúp hệ sinh thái rừng ven biển phát triển để tạo sinh kế cho người dân và cộng đồng.

h4.jpg
Bằng mọi nguồn lực, Bến Tre tập trung đầu tư đê, kè bảo vệ bờ biển

Là người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản ven biển tại khu vực Cồn Bửng, ông Trần Văn Dũng cho biết: “Khu vực này trước đây sạt lở rất dữ do sóng biển làm rừng phòng hộ bị chết. Từ khi có kè giảm sóng từ phía xa đã giảm thiểu sạt lở, tạo bãi bồi cho các sinh vật biển, và các loại cây mắm, bần, đước tự nhiên phát triển. Chúng tôi thấy mô hình kè mềm này rất cần nhân rộng ở những vùng biển tương tự của tỉnh để bảo vệ cuộc sống người dân”.

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho hay, xác định ứng phó BĐKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển bền vững, tỉnh Bến Tre đã và đang triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó, nhằm ổn định sản xuất và đời sống dân sinh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Trong đó, tỉnh Bến Tre tập trung phát triển kinh tế ưu tiên theo hướng thích ứng với BĐKH, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch và giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác vùng và quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực của Trung ương và tổ chức quốc tế cho các công trình, dự án quan trọng về ứng phó với BĐKH trên địa bàn.

Tin rằng, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Bến Tre, sự hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, cùng với sự cố gắng vượt qua khó khăn của người dân địa phương, trong tương lai gần, những đô thị ven biển, ven sông theo hướng sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn thích ứng với BĐKH; cùng những công trình đê bao ngăn mặn nối liền 3 huyện biển, tuyến đường bộ ven biển… khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt là giúp bà con vùng biển Bến Tre sớm ổn định đời sống, sản xuất, cùng nhau xây dựng quê hương phát triển bền vững.

Bạch Thanh