Bình Thuận: Tập trung nâng cao chất lượng môi trường góp phần giảm nghèo bễn vững

Môi trường - Ngày đăng : 09:02, 21/10/2022

(TN&MT) - Trong thời gian qua, để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Bình Thuận đã chủ động triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cũng như tích cực triển khai các dự án đầu tư về phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường (BVMT) khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
a1(1).jpg
Cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp


Nhiều chính sách hỗ trợ

Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận cho biết: Bình Thuận là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống với hơn 100.000 người, cư trú rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ, trong đó, các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro... sinh sống tập trung ở 11 xã thuần đồng bào dân tộc và 20 thôn xen ghép. Thời gian qua, Bình Thuận đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, giúp người đồng bào DTTS có cuộc sống ổn định, ấm no và phát triển.

Nổi bật nhất là việc triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cho các huyện miền núi, nhằm phục vụ đi lại, sản xuất và đời sống cho người dân; giao cho các địa phương hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế bằng các mô hình cụ thể như: hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản, gà thả vườn, cây ăn trái… cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nông cụ sản xuất, mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân vùng đồng bào DTTS.

Đồng thời, tỉnh Bình Thuận còn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đối với công tác BVMT, nhất là việc quản lý chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các vùng nông thôn. Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, tránh những tồn dư của thuốc BVTV thẩm thấu vào môi trường; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trồng thanh long sử dụng bóng đèn điện không được vứt bỏ ra môi trường tự nhiên, đặc biệt là các suối, kênh rạch.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu thực hiện các biện pháp BVMT, lập hồ sơ xác nhận hoàn thành các công trình BVMT... đối với các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung cũng như xử lý, xử phạt nghiêm các trang trại vi phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm môi trường; tập trung rà soát hiện trạng chăn nuôi, nhất là các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực dân cư, đảm bảo việc chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, nhờ các chính sách hỗ trợ cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương nên tỷ lệ hộ nghèo tại vùng đồng bào DTTS trên địa tỉnh đã giảm rõ rệt. Tính đến hết năm 2021, tỉnh Bình Thuận còn 3,64% hộ đồng bào DTTS nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, giảm gần 21%; diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi; ý thức của người dân, đặc biệt người dân vùng đồng bào DTTS về giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng cao.

a2.jpg
Ý thức về BVMT tại vùng nông thôn đã có chuyển biến tích cực

Tiến tới giảm nghèo bền vững

Trong thời gian tới, nhằm chăm lo đời sống của đồng bào DTTS, hướng tới giảm nghèo bền vững, tỉnh Bình Thuận xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác quản lý và phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư trên địa bàn; ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, nước sinh hoạt.

Đồng thời, tỉnh Bình Thuận cũng đẩy mạnh đầu tư ứng trước và bao tiêu 100% sản phẩm hàng hóa nông sản của đồng bào DTTS gắn với xây dựng nông thôn mới; có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, thu mua nông sản ở miền núi, vùng cao, vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào chiều sâu.

Để góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân nông thôn, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ phấn đấu 80% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi... Đến năm 2045, tỉnh Bình Thuận cũng sẽ phấn đấu 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải trong chăn nuôi...

a3.jpg
Tích cực quản lý chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp

Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về BVMT. Trong đó, các sở, ngành và các địa phương tập trung vào công tác kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT đối với các cơ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thuốc BVTV, thuốc thú y, phân bón, chất thải nông nghiệp và các hệ thống thủy lợi, khu bảo tồn thiên nhiên.
Ngoài ra, các Sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường phục vụ nhu cầu sinh hoạt ở địa bàn nông thôn, các hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản gắn với BVMT.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tinh Bình Thuận, thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT phục vụ giảm nghèo bền vững, Sở TN&MT  sẽ cùng với các Sở ngành, địa phương tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra về BVMT trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo đúng quy định; thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về BVMT, cải thiện cảnh quan môi trường nơi sinh sống, sản xuất.

Linh Nga