Tp Hải Dương (tỉnh Hải Dương): Gắn giảm nghèo bền vững với nâng cao chất lượng đời sống

Xã hội - Ngày đăng : 07:36, 21/10/2022

Đến hết năm 2022, thành phố Hải Dương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới còn 1,15%, hộ cận nghèo còn 1,11%. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã và đang tập trung hỗ trợ các địa phương xây dựng các chương trình, đề án tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Song song đó, tích cực vận động nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, tạo môi trường sống xanh sạch đẹp.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025, thành phố Hải Dương hiện có 1.176 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,35%; 1.057 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,21%. So với các tiêu chí hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 được điều tra đến đầu năm 2021, thì số hộ nghèo của thành phố tăng thêm hơn 300 hộ và số hộ cận nghèo tăng thêm hơn 100 hộ do áp dụng tiêu chí chuẩn nghèo mới.

Giảm số hộ nghèo qua từng năm

Để thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo năm 2022, thành phố đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Song song với việc tuyên truyền các chính sách giảm nghèo đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay và hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn, thành phố Hải Dương còn nhân rộng các mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, Ban Chỉ đạo giảm nghèo thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo để kịp thời khắc phục hạn chế, hỗ trợ thoát nghèo hiệu quả...

Đặc biệt, thành phố đã quan tâm bố trí nguồn lực địa phương, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các chương trình, đề án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

2(2).jpg
Xã Gia Xuyên duy trì ra quân tổng vệ sinh môi trường.

Từ các chương trình cho vay, đã giúp gần 2.800 hộ thoát nghèo, gần 30.000 hộ tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống, trên 4.700 lao động có việc làm mới, trên 4.300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học...

Cuối năm 2019, từ khi huyện Gia Lộc, Gia Xuyên chính thức sáp nhập về thành phố Hải Dương, để nâng cao thu nhập cho người dân, thành phố đã tập trung phát huy thế mạnh địa phương để hình thành các mô hình nông nghiệp đô thị, vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa góp phần giảm áp lực trong quá trình đô thị hóa. Hiện toàn thành phố có hơn 200 ha đất canh tác, chủ yếu trồng đào, hoa và cây cảnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mạnh.

Nằm ở phía đông thành phố Hải Dương, xã Quyết Thắng có 5 thôn với hơn 11.000 nhân khẩu. Giai đoạn 2019-2021, Quyết Thắng đã tổ chức 11 lớp tập huấn phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, sử dụng phân bón sinh học cho cây hành, tỏi, hướng dẫn các biện pháp nhận biết và phòng trừ sâu bệnh trên lúa và rau màu, giúp nông dân phát triển sản xuất theo hướng ổn định, hiệu quả. Mở 1 lớp học nghề kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho 35 học viên là hội viên nông dân trong xã. Hỗ trợ hơn 60 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền trên 3 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh... Qua đó, góp phần thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường

Song hành cùng công tác giảm nghèo, thành phố Hải Dương cũng chú trọng triển khai các giải pháp, mô hình bảo vệ môi trường, gắn công tác giảm nghèo với nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Không chỉ phát động phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Hội nông dân xã Quyết Thắng còn chủ động xây dựng mô hình Cánh đồng không rác thải. Hội Phụ nữ duy trì mô hình đường hoa Phụ nữ, phân loại rác thải tại gia đình, mô hình làn xanh đi chợ, cuộc vận động gia đình "5 không 3 sạch"…

3(1).jpg
UBND thành phố Hải Dương tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hải Dương

Tại các xã, phường đã tăng cường công tác bảo vệ môi trường nhằm kịp thời giải quyết các điểm ô nhiễm phát sinh. Phối hợp với các phòng ban chuyên môn, các cấp hội, đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, trường học… tổ chức các hoạt động trồng cây, Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, xây dựng các tuyến phố xanh - sạch - đẹp.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Trưởng phòng TN&MT thành phố Hải Dương cho biết: Đến nay, trên địa bàn thành phố không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm đã được di dời ra khỏi trung tâm thành phố như: Công ty Cổ phần Giầy Hải Dương, Công ty cổ phần đá mài Hải Dương, Công ty cổ phần Bơm Hải Dương… Cùng với đó, Thành phố đã hướng dẫn UBND các phường, xã rà soát các điểm, cơ sở sản xuất có dấu hiệu ô nhiễm môi trường. Triển khai xây dựng quy chế hoạt động đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin về ô nhiễm trên địa bàn thành phố.

Thời gian tới, thành phố sẽ chú trọng xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Tuyên truyền vận động 100% người dân sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị. Tăng cường thanh, kiểm tra, yêu cầu 100% các cơ sở đi vào hoạt động đảm bảo về môi trường. Triển khai đề án phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ tiên tiến, tiến tới tận dụng nguồn tài nguyên từ rác. Rà soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ, loại bỏ rác thải rắn có trong nước thải để hạn chế việc xả thải gây ô nhiễm.

4(2).jpg
Chi hội Nông dân thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) thu gom rác ngoài cánh đồng

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom trên địa bàn thành phố đạt 99%, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 75%, nước thải công nghiệp được xử lý đạt 90% trở lên. Tỷ lệ cây xanh toàn đô thị đạt 15m2/người,  giảm 2/3 số hộ nghèo trong vòng 5 năm theo chuẩn mới.

Trong năm 2021, thành phố Hải Dương đã kiểm tra đột xuất, phát hiện, xử phạt 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền 276 triệu đồng. 9 tháng năm 2022, đã phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, xử phạt 5 cơ sở sản xuất trong CCN Ba Hàng vi phạm khi chưa có cam kết bảo vệ môi trường. Kiểm tra rà soát hệ thống thoát nước thải của 42 cơ sở trong CCN Thạch Khôi - Gia Xuyên. Kiểm tra, xử phạt 3 nhà hàng vi phạm về xả thải với tổng số tiền trên 70 triệu đồng. Kiểm tra 25 cơ sở sản xuất kinh doanh, phát hiện 5 cơ sở vi phạm quy định về bảo vệ môi trường với tổng tiền phạt 120 triệu đồng…

Phạm Duy