Ninh Bình: Sức mạnh giảm nghèo từ sử dụng hợp lý khoáng sản
Tài nguyên - Ngày đăng : 11:49, 20/10/2022
Phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống
Theo thống kê, ngoài 4 nhà máy xi măng lớn, hiện toàn tỉnh Ninh Bình có 60 đơn vị khai thác khoáng sản với quy mô khác nhau nằm tập trung ở các huyện Nho Quan, Yên Mô, TP Tam Điệp… để cung cấp nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây cũng là một nguồn tài nguyên khoáng sản lớn góp phần nâng cao nguồn thu ngân sách cho địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn, nhất là ở các vùng nông thôn miền núi.
Thời gian qua, việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở Ninh Bình để xây dựng các nhà máy xi măng, khai thác đá xây dựng, làm đường giao thông, khai thác than, đất sét đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng 4 nhà máy xi măng lớn như xi măng Tam Điệp, xi măng The Vissai, xi măng Hướng Dương, xi măng Duyên Hà đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh mang về khoản lợi nhuận khá, nộp ngân sách của tỉnh khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm.
Theo chia sẻ của ông Đỗ T.H, Giám đốc doanh nghiệp có hai mỏ đá trên địa bàn xã Gia Tường và xã Thượng Hoà (huyện Nho Quan), yêu cầu tiên quyết đối với một doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn là phải thực hiện nghiêm quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên theo quy định của Nhà nước. Cụ thể, trong quá trình khai thác đá, doanh nghiệp đảm bảo an toàn lao động, có các biện pháp xử lý để đảm bảo môi trường, phòng chống cháy nổ... Đặc biệt, doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước, đảm bảo các chế độ cho người lao động theo Luật Lao động.
“Hiện nay, một mỏ đá của chúng tôi nộp vào ngân sách hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Hai mỏ đá của chúng tôi ở xã Gia Tường và Thượng Hoà đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 60 lao động đều là người dân địa phương với thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/ người mỗi tháng”, ông H. cho hay.
Theo ông H, doanh nghiệp nhận thức rất rõ việc khai thác đá là loại hình sản xuất, kinh doanh đòi hỏi nhiều quy định khắt khe của Nhà nước về an toàn lao động, sử dụng vật liệu nổ, an toàn giao thông và các chính sách an sinh trên địa bàn. Do vậy, bên cạnh việc đảm bảo chế độ đãi ngộ cho người lao động, doanh nghiệp thực hiện tập huấn đầy đủ về an toàn lao động, trang cấp và thực hiện nghiêm các phương tiện, thiết bị, đồ bảo hộ lao động trong quá trình khai thác, xử lý vận hành máy móc.
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho người dân có diện tích sản xuất nông nghiệp gần mỏ đá, Công ty đã thuê lại hàng ha diện tích đất, với mức giá cao để thuận lợi trong quá trình khai thác, vận chuyển sản phẩm, tạo sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và người dân; góp phần mang lại cuộc sống ổn định cho người dân khu vực xung quanh mỏ đá.
Khai thác hợp lý, bền vững
Hiện, việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở Ninh Bình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là phục vụ cho các công trình trọng điểm, cấp thiết đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, Ninh Bình đã có nhiều giải pháp phù hợp để biến ý tưởng khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường thành hiện thực.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh Ninh Bình xác nhận trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác đối với 1 mỏ/1 đơn vị. Tổ chức thẩm định, yêu cầu các đơn vị chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện: Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đối với 1 mỏ/1 đơn vị ; Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản của 2 mỏ/1 đơn vị . Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ bổ sung 3 mỏ liên quan đến dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản.
Theo Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình, tỉnh đã sớm quy định những khu vực cấm, tạm cấm khai thác tài nguyên núi đá, tài nguyên đất sét, các vùng bảo vệ đặc biệt tại các khu du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh...không được xâm phạm. Từ năm 2011, tỉnh đã khoanh vùng khai thác 6 loại khoáng sản gồm đá vôi, đất sét, đôlômít, cát, đất, đá dùng để san lấp mặt bằng với diện tích 7.000 ha có quy chế bảo vệ chặt chẽ nguồn tài nguyên này. Đồng thời không cấp mới và không gia hạn đối với các mỏ đã cấp phép.
Cùng với bảo vệ nguồn tài nguyên, khoáng sản, Sở TN&MT đã mở nhiều lớp tập huấn về bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức các cơ quan chuyên môn, các huyện, thị xã, doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, tổ chức ký cam kết với các nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện, phân lân, các nhà máy gạch... về việc xử lý khói bụi chống ô nhiễm môi trường. Sở cũng thường xuyên thẩm định, đánh giá tác động môi trường để có phương án bảo vệ môi trường kịp thời, hiệu quả.
Hàng năm, các cơ quan liên quan cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và các tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp đảm bảo tốt về an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản, góp phần hạn chế và chấm dứt các hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép.