Khai thác khoáng sản cần song hành với giảm nghèo bền vững
Tài nguyên - Ngày đăng : 11:49, 20/10/2022
Để làm rõ những nội dung này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
PV: Theo ông, hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam đã mang lại những tác động tích cực như thế nào đến đời sống kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và địa phương, nơi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản nói riêng?
Ông Nguyễn Văn Nguyên: Hoạt động khoáng sản trong hơn 10 năm trở lại đây đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo an ninh quốc phòng như cung cấp cơ bản đủ nguyên liệu làm vật liệu xây dựng như đá ốp lát với nhiều chủng loại mẫu mã đẹp, nguyên liệu khoáng chất công nghiệp để phát triển ngành gốm sứ, cung cấp đầy đủ nguyên liệu xi măng phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn; đảm bảo an ninh năng lượng như than đá, dầu – khí.
Đồng thời, hoạt động này đáp ứng một phần nhu cầu về yêu cầu các kim loại trong ngành sản xuất máy móc, thiết bị công nghiệp điện tử, ô tô... đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu (sản xuất sắt thép, đồng, nhôm, chì - kẽm, mangan...), sản xuất nguyên liệu phân bón, khai thác di sản địa chất trong du lịch...
Nhiều địa phương đóng góp vào lĩnh vực khai thác khoáng sản với giá trị khá cao cho tổng thu nhập của tỉnh như: volfram đa kim Núi Pháo - Thái Nguyên; than, di sản địa chất (Quảng Ninh), đồng - vàng, apatit, sắt (Lào Cai), đá ốp lát (Nghệ An, Yên Bái); đá vôi nguyên liệu xi măng (Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang...), alumin (bauxit) ở Đắk Nông, titan - zircon (Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận).
PV: Bên cạnh những tác động tích cực trên, hoạt động khai thác khoáng sản vẫn tồn tại mặt đối lập, gây cản trở không nhỏ đến công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương, xin ông chia sẻ về những vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Nguyên: Những năm gần đây, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm giảm thiểu thấp nhất tác động của hoạt động khai thác khoáng sản đến môi trường, tuy nhiên hoạt động này vẫn có những tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước do nước bị ô nhiễm... Từ đó, có thể phá vỡ điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm như khai thác đá vôi xi măng ở Hà Nam, Ninh Bình..., khai thác vàng với qui mô nhỏ, thủ công diễn ra ở nhiều nơi nhưng điển hình ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai..., khai thác vật liệu xây dựng, khai thác cát ở lòng sông diễn ra phức tạp khắp cả nước gây sạt lở bờ sông, làm sập nhà dân. Những hoạt động đó trực tiếp và gián tiếp gây ra sụt lún đất ở và canh tác của người dân ở Nghệ An, Bắc Cạn, Lào Cai.
Trong quá trình khai thác một lượng lớn đất thải, nước thải từ hồ chứa tạo ra những nguy cơ như vỡ đập tràn, sạt lở đất thải gây lấp rừng, đất canh tác và đe dọa cuộc sống của người dân như khai thác than, khai thác đồng, sắt ở Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái; hoặc quá trình vận chuyển quặng, đất thải bởi những xe tải lớn làm cho cơ sở hạ tầng của địa phương bị hỏng nhiều so với giá trị được đóng góp từ khai thác. Những nguyên nhân đó một phần gây cản trở công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, vì đại đa số người dân sinh sống gần mỏ đều có điều kiện kinh tế khó khăn.
So với các nước và khu vực có nền công nghiệp khai khoáng hiện đại như Úc, Châu Âu..., ngoài những cam kết về môi trường, đề án an sinh xã hội với cộng đồng người dân sống xung quanh mỏ rất được quan tâm, đặc biệt như tạo công việc làm, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân thông qua các hành động cụ thể hàng năm.
Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại các địa phương đã mang lại việc làm và thu nhập khá ổn định cho hàng chục nghìn người lao động trực tiếp và gián tiếp.
Bên cạnh đó, việc thu hồi và đền bù đất trong các dự án khai thác khoáng sản chắc chắn phải thực hiện theo điều khoản qui định trong Luật Đất đai và việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp với chính quyền địa phương là điều kiện rất quan trọng để người dân có quyền sử dụng đất, nơi có khoáng sản thấy bằng lòng khi bàn giao và cũng đảm bảo cho cuộc sống của họ về lâu dài. Tuy vậy, theo báo cáo của 63 tỉnh/thành phố trong giai đoạn 2012 - 2020, các tổ chức hoạt động khoáng sản mới hỗ trợ cho người dân số tiền hơn 126 tỷ đồng, đây là con số rất nhỏ và hạn chế.
PV: Thưa ông, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản vừa được Chính phủ thông qua có giải quyết được những bất cập trên hay không?
Ông Nguyễn Văn Nguyên: Những chính sách cần đưa vào những qui định của Luật Địa chất và Khoáng sản lần này chắc chắn sẽ giải quyết được những bất cập về việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản cho những hoạt động xã hội cộng đồng, nơi có khoáng sản như phục vụ phát triển y tế, giáo dục, hạ tầng...
Luật Khoáng sản năm 2010 đã đề cập đến nội dung này, nhưng chưa có chính sách cụ thể để đảm bảo quyền lợi của người dân ở nơi có khoáng sản được hưởng từ nguồn thu hoạt động khoáng sản.
Bởi vậy, những chính sách hiện nay chưa đồng bộ hoặc chồng chéo như chính sách phân phối nguồn thu từ hoạt động khoáng sản, chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương, nơi có khoáng sản được khai thác, chính sách bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đầu tư khai thác khoáng sản, chính sách ưu tiên sử dụng lao động địa phương; chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho tổ chức cá nhân có đất bị thu hồi cho dự án hoạt động khoáng sản, rà soát hoàn thiện các chính sách đã có về đảm bảo thực thi quyền lợi cộng đồng... Những nội dung này chắc chắn là điểm mới được cụ thể hóa trong Luật Địa chất và Khoáng sản. Mong rằng, khi Luật được thông qua, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản sẽ đóng góp tích cực cho thành tựu xóa đói giảm nghèo trên cả nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!