GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương: Nghề “đếm gió đo mây” cần có “lửa”

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:46, 20/10/2022

(TN&MT) - Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu khoa học và truyền thụ kiến thức cho những lứa sinh viên, nghiên cứu sinh theo nghề “đếm gió đo mây”, tháng 4 vừa qua, TS. Huỳnh Thị Lan Hương (ảnh) đã đạt danh hiệu Giáo sư, chị cũng là một giáo sư trẻ của ngành TN&MT. Đây không chỉ là thành tựu của bản thân GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương mà còn là niềm tin, hy vọng về sự đóng góp tích cực, cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp khoa học, giáo dục đào tạo trong tương lai của ngành Khí tượng, thủy văn.

Truyền thống gia đình nuôi dưỡng những ước mơ

Trưởng thành từ cái nôi của “gia đình Thủy văn”, khi cha là một trong những nhà thủy văn đầu tiên của Việt Nam, GS. TS Huỳnh Thị Lan Hương rất đỗi tự hào khi lựa chọn nghề khí tượng thủy văn làm sự nghiệp. Bởi chị biết, nếu so với những ngành nghề khác, công tác nghiên cứu khí tượng, thủy văn không phải là một ngành nghề mang lại cho mình nhiều của cải vật chất nhưng lại mang đến cho cuộc sống, cho xã hội những giá trị tốt đẹp, đó là bảo vệ tính mạng, tài sản con người trước sự khắc nghiệt của thiên tai.

5-2-.jpg

GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương luôn tâm huyết với nghề

Hiểu rõ ý nghĩ cao quý ấy, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy lợi, chị vững tin tiếp bước truyền thống gia đình, vào làm nghiên cứu viên tại Viện Khí tượng Thủy văn thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn (hiện là cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Từ bỡ ngỡ những năm tháng học tập, rèn luyện và nghiên cứu tại Viện Khí tượng Thủy văn, nay là Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Viện KTTVBĐKH) đã bồi đắp kiến thức phong phú cho chị về ngành thủy văn, tài nguyên nước. Sau năm 2010, chị được điều chuyển đến công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Viện KTTVBĐKH, từ đó chị đã mở rộng thêm các hướng nghiên cứu, bao gồm: Thủy văn, tài nguyên nước, rủi ro thiên tai và Biến đổi khí hậu.

Ngay từ khi bắt đầu những công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên về khí tượng và khí hậu, chị đã luôn mơ ước mình có đủ kiến thức, tầm hiểu biết để có một công trình nghiên cứu có thể dự báo sớm, khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra cho đồng bào, nhất là khu vực miền Trung Trung Bộ, dải đất thân thương hướng biển luôn hứng chịu nhiều loại thiên tai và vô cùng khắc nghiệt như gió lớn, bão lũ, nước biển dâng. Và cơ hội đến khi chị đề xuất và được nghiên cứu một công trình khoa học cấp Nhà nước mang tên “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý đa thiên tai, xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó với đa thiên tai, áp dụng thí điểm cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ”

Đề tài được đánh giá là khá khó khăn bởi trước đó Việt Nam chưa có phương pháp quy chuẩn đánh giá rủi ro thiên tai để từ đó đưa ra công cụ hỗ trợ quyết định ứng phó. Sau nhiều ngày miệt mài nghiên cứu, học hỏi các quy chuẩn mô hình trên thế giới kết hợp thực tiễn tại Việt Nam, đề tài đã được hoàn thiện, thành công và được Hội đồng khoa học Nhà nước đánh giá cao.

Đề tài đã cung cấp cơ sở khoa học về rủi ro thiên tai và rủi ro đa thiên tai; xác định được phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai (ví dụ: bão chồng bão kèm sóng lớn, nước biển dâng) trong trường hợp các hiểm họa xảy ra đồng thời hoặc nối tiếp. Hơn nữa, đề tài còn đóng góp một cơ sở khoa học quan trọng trong phát triển công nghệ dự báo, cảnh báo rủi ro đa thiên tai; Cung cấp cho các nhà quản lý thiên tai ở Trung ương và địa phương công cụ hỗ trợ trong công tác ứng phó với rủi ro đa thiên tai, góp phần vào việc quản lý rủi ro thiên tai, hoạch định chính sách và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện đề tài đang được áp dụng khá hiệu quả cho việc cảnh báo sớm và đưa ra phương án ứng phó tại khu vực Trung Trung Bộ.

Những năm tháng mở rộng hướng nghiên cứu về biến đổi khí hậu, giải pháp và thích ứng, chị đã tìm ra “nguyên lý” của sự thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả. Đó là thực hiện đồng bộ các chính sách, chủ trương, chiến lược, giải pháp của Đảng, nhà nước, chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành. Đồng thời, những giải pháp, chính sách, chiến lược này phải được xây dựng từ cơ sở, từ nhân dân, từ những cộng đồng đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, có như vậy, công cuộc chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu của chúng ta mới có hiệu quả rõ nét.

Tận tâm truyền lửa yêu nghề

Nếu nói lũ quét, sạt lở đất, bão, nước biển dâng đang là thách thức, thì ngành Khí tượng Thủy văn phải là “phát súng hiệu” để cảnh báo trước những nguy cơ thách thức, mất an toàn. Tầm quan trọng của ngành là vậy, song giữa trăm ngàn ngành nghề khác nhau với cơ hội mang lại kinh tế, thu nhập hơn hẳn nghề “đếm gió đo mây” thì việc “giữ lửa” và “truyền lửa” yêu nghề ngày càng khó nhưng cấp thiết bởi nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành đang thiếu hụt nghiêm trọng. Trước thực trạng của ngành, chị luôn tâm niệm cần nhiệt tình hơn nữa, truyền thụ kiến thức và niềm say mê nghề hơn nữa để bồi dưỡng kiến thức cho lớp học trò kế cận cha anh.

5-1-.jpg

Hội thảo quốc tế Tiến tới phát thải ròng bằng không: Chính sách và thực tiễn do Đại học TN&MT Hà Nội tổ chức.

Điển hình như khi là Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH, chị đã tham gia vào quá trình giảng dạy, xây dựng các đề tài nghiên cứu hướng dẫn, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đưa các nghiên cứu chuyên sâu về thủy văn, thủy lực, tài nguyên nước, môi trường và biến đổi khí hậu trong các bài giảng, chuyên đề cho sinh viên, học viên cao học và các nghiên cứu sinh.

Chị Huỳnh Thị Lan Hương luôn tâm niệm, với nghề “đếm gió đo mây” thì việc “giữ lửa” và “truyền lửa” là rất quan trọng, giúp các thế hệ tương lai yêu ngành, yêu nghề, gắn bó với công việc, phục vụ phát triển đất nước. Với mỗi sinh viên theo từng chuyên ngành, chị luôn sắp xếp các bài giảng hợp lý để phù hợp với tiêu chí nghiên cứu của họ. Quá trình học và thực hiện luận án, chị nhiệt tình tìm hướng tháo gỡ những khúc mắc trong thực hiện đề tài, nghiên cứu luận án. Chị thường nói với học viên: “Quan trọng nhất phải xác định cho mỗi học viên chủ đề luận án của các em, từ chủ đề luận án đó phải tìm xem đâu mục tiêu luận án, trên cơ sở đó, mình đặt ra và hướng dẫn các nội dung nghiên cứu. Điều cần thiết là tính tự lực của các em, như vậy mới có thể đào sâu và nghiên cứu theo hướng chính xác nhất”.

Chính vì sự lao động hăng say, tận tụy, tháng 8/2022, chị Huỳnh Thị Lan Hương được giao trọng trách Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Nhận vị trí mới trong vinh dự lớn lao, chị luôn tâm niệm phải luôn cố gắng phải nỗ lực hết sức, nhiều khi là hơn 100% khả năng của mình để xây dựng và phát triển Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường và các lĩnh vực liên ngành khác, đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý và các nhiệm vụ chuyên môn.

Hoài Thu