Hà Tĩnh: Cần luật hóa phương pháp xác định giá đất

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 11:46, 20/10/2022

(TN&MT) - Góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi), tỉnh Hà Tĩnh có ý kiến cần phải luật hóa cụ thể phương pháp xác định giá đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương khi áp dụng.

Cơ quan định giá còn lúng túng

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Tuấn, cần luật hóa quy định về các phương pháp xác định giá đất để tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng. Mặt khác, phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ các quy định của Luật Đất đai với các văn bản quy phạm pháp luật khác tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, đảm bảo sự hài hòa lợi ích.

4.jpg

Phương pháp tính giá đất phải được thống nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương khi áp dụng

Việc xác định giá đất cụ thể của dự án về nguyên tắc đảm bảo theo quy định tại Khoản 1, Điều 112 Luật Đất đai; Hồ sơ trình tự thủ tục thực hiện xác định giá đất cụ thể đảm bảo các bước theo quy định tại Điều 16 Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Việc áp dụng phương pháp xác định giá đất phù hợp theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, Thông tư 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN&MT.

Theo đó, thời gian qua, công tác xây dựng giá các loại đất trên địa bàn Hà Tĩnh từng bước đi vào chiều sâu, chất lượng, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế xã hội tỉnh. Tuy vậy, việc định giá đất cụ thể là lĩnh vực mới nên quá trình tổ chức thực hiện lúng túng, còn nhiều khe hở cho việc đầu cơ đất đai, chế tài để khắc phục những tồn tại vẫn còn hạn chế.

Việc định giá đất do địa phương, các ngành tổ chức thực hiện, không có điều kiện điều tra phân tích thông tin về giá đầy đủ, nên việc đề xuất giá còn mang tính chủ quan. Mặt khác, công tác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai 2013 đã có quy định cụ thể nhưng việc hiểu, thực hiện còn khác nhau.

Văn bản hướng dẫn chồng chéo

Theo ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 4/4/2015 của Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp thì Sở TN&MT tổ chức thực hiện việc xác định giá khởi điểm của thửa đất đấu giá trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong khi đó, tại Khoản 4, Điều 1 Thông tư số 02/2015/TT-BTC ngày 05/01/2015 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 48/2012/TT-BTC ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chế độ tài chính trong hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất lại quy định cơ quan tài chính tổ chức thực hiện việc xác định giá khởi điểm trình UBND cùng cấp phê duyệt.

Từ 1/7/2014 đến 11/4/2019, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt 1.625 hồ sơ xác định giá đất cụ thể (trong đó: 518 hồ sơ tính tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; 881 hồ sơ làm cơ sở xác định giá khởi điểm đấu giá QSD đất…) với tổng diện tích đất 2.2648,68ha.

Có thể thấy, về trình tự thủ tục phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền sử dụng đất, có sự chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn thi hành, gây khó khăn các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Theo đó, đề nghị chuyển việc xác định giá đất cụ thể về cơ quan tài chính, quy định thật cụ thể, rõ ràng cách xác định phương pháp định giá đất khi Nhà nước thực hiện bồi thường hoặc thu tiền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất.

Tại Khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai 2013 có quy định, thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định về thời điểm xác định giá đất cụ thể. Vì vậy, đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn thực hiện và xem xét, bổ sung quy định về thời điểm xác định giá đất cụ thể.

Với một số ý kiến góp ý về Dự thảo Luật liên quan đến giá đất, đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, khi được ban hành cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, tránh chồng chéo; luật hóa cụ thể phương pháp tính giá đất để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi áp dụng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Mặt khác, cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Đức Cảnh