Lấy ý kiến Hiệp hội bất động sản TP.HCM về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 21:18, 18/10/2022
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM đánh giá cao những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đặc biệt, nhiều góp ý của Hiệp hội trước đó đã được Bộ TN&MT đưa vào dự thảo Luật.
Ngoài ra, tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Châu và lãnh đạo một số doanh nghiệp bất động sản cũng kiến nghị thêm một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn tại TP.HCM. Trong đó, dự thảo Luật cần quy định phương án xử lý những phần đất công xen cài trong dự án nhà ở để các doanh nghiệp sớm triển khai.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần quy định rõ về việc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Đồng thời, việc này phải đồng bộ với việc sửa luật Đấu giá tài sản, bởi luật này không hề có quy định riêng đối với loại hình đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Hiện nay, chúng ta chỉ đấu giá một nền đất, 1 căn hộ, như một loại hàng hóa đơn lẻ mà chưa đấu giá cả dự án.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu đề nghị, đối với các dự án đem ra đấu giá lại, cần có quy định điều chỉnh thời hạn sử dụng đất theo kỳ hạn tối đa 50 năm. Lấy ví dụ một dự án tại TP.HCM khi thời hạn sử dụng đất còn 39 năm nên khi đem ra đấu giá chỉ cón 6.110 tỷ, nếu điều chỉnh thời hạn sử dụng đất thành 50 năm thì giá trị đấu giá sẽ cao hơn rất nhiều.
“Vì vậy, nếu điều chỉnh thời hạn sử dụng đất các dự án trên thành tối đa 50 năm, nhà nước sẽ thu thêm được một khoản ngân sách, doanh nghiệp cũng hào hứng tham gia đấu giá, từ đó đất đai sớm được đưa vào sử dụng” – ông Lê Hoàng Châu nói.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cũng thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2022, tại TP.HCM có 21 dự án được mở bán với 11600 căn hộ. Thị trường bất động sản của thành phố đang tiếp tục hạn chế về nguồn cung và tình trạng lệch pha cung cầu với phân khúc cao cấp đang chiếm đa số, khan hiếm nguồn cung nhà ở phù hợp nhu cầu với đại đa số người dân.
Vì vậy, theo ông Lê Hoàng Châu, việc sớm sửa đổi Luật Đất đai, đồng thời với việc sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật đấu giá tài sản sẽ giúp thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung phát triển ổn định, bền vững.
Sau khi lắng nghe các ý kiến từ Hiệp hội bất động sản TP.HCM, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai đã tiếp thu đầy đủ, đồng thời tập trung trao đổi, giải thích nhiều vấn đề liên quan.
Ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết: Trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19, tổng kết Luật Đất đai, xây dựng dự thảo Luật, Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng. Tổng cục quản lý đất đai luôn lắng nghe, thấu hiểu các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp bất động sản để đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo chương trình Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại 2 kỳ họp (kỳ họp cuối năm 2022 và kỳ họp đầu năm 2023), dự kiến thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023. Vì vậy, theo ông Khuyến, vẫn còn nhiều thời gian để các doanh nghiệp bất động sản nói riêng, cộng động doanh nghiệp và nhân dân đóng góp các ý kiến xây dựng dự thảo Luật.
“Tôi đề nghị các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM trên cơ sở hoạt động thực tiễn, tiếp tục nêu những vướng mắc khó khăn, kèm theo đó là những kiến nghị, giải pháp để Tổng cục quản lý đất đai tổng hợp, trình Bộ TN&MT trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”- ông Lê Thanh Khuyến nhấn mạnh.