Bộ TN&MT làm việc với Thành uỷ TP.HCM về các chính sách phát triển của Thành phố

Trong nước - Ngày đăng : 16:42, 18/10/2022

Sáng 18/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Ủy viên Bộ Chính trị , Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc làm việc về vấn đề quản lý nhà nước về đất đai và dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố.
bi-thu-nen-phat-bieu.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị , Bí thư Thành ủy TP.HCM và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có ông Phan Văn Mãi, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM; các Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT): Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Lê Minh Ngân; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, các Sở, ban ngành của TP.HCM.

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc mừng những kết quả ấn tượng mà TP.HCM đã đạt được trong việc kiểm soát dịch bệnh; kinh tế phục hồi nhanh, ổn định và tăng trưởng; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên… Đồng thời nhấn mạnh, TPHCM là đầu tàu kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ, là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, thường xuyên đóng góp trên 30% vào ngân sách nhà nước. Trong quá trình phát triển, lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu là động lực phát triển của TP.HCM nhưng cũng phát sinh những điểm nghẽn cần sớm được tháo gỡ.

img_7615_bhtf(1).jpg
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc làm việc 

16/18 vướng mắc về đất đai của TP.HCM đã được đưa vào Dự thảo Luật 

Theo ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách thành phố khoảng 350.000 tỷ đồng, đạt 91% dự toán năm và tăng 28% so cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu từ ngành TN&MT khoảng 35.595 tỷ đồng (chiếm 10,2% tổng thu ngân sách). Nguồn lực đất đai đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng xem vấn đề môi trường là vấn đề sống còn trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, những lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. 

Chủ tịch Phan Văn Mãi kiến nghị 2 nhóm vấn đề lớn cần Bộ TN&MT quan tâm ủng hộ. Đó là: Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội; Kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố.

chu-tich-mai.jpg
Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu

Đối với các vấn đề đưa vào dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, TP.HCM đề nghị 12 nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai (thí điểm 10 nội dung, phân cấp 01 nội dung) và 05 nội dung liên quan đến lĩnh vực môi trường (thí điểm 03 nội dung, phân cấp 02 nội dung).

Những đề xuất, kiến nghị của UBND TP.HCM đã được lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung trao đổi, thảo luận. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Thứ trưởng Bộ TN&MT: Nguyễn Thị Phương Hoa, Lê Minh Ngân, Võ Tuấn Nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá các đề xuất của các của TP.HCM rất có trách nhiệm, chất lượng, có cơ sở để thực hiện. Đối với các vấn đề vướng mắc, về cơ bản 16/18 vấn đề đã được đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ trưởng lưu ý TP.HCM cần đánh giá các tác động của việc thực hiện các chính sách thí điểm; đặc biệt cần đánh giá kỹ tính khả thi nếu được áp dụng các chính sách thí điểm, việc thực hiện phải đồng bộ, gắn với quy định về kiểm soát, giám sát việc thí điểm, phân cấp.

ttr-ngan.jpg
Các Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu đóng góp ý kiến tại cuộc họp

TP.HCM nên nghiên cứu cơ chế sử dụng đất nông nghiệp phù hợp

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đặt vấn đề hiện nay TP.HCM đang có quỹ đất nông nghiệp chiếm trên 53%, trong khi TP.HCM là một đô thị đầu tầu kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, tài chính. Vì vậy, Bộ trưởng gợi mở TP.HCM nên nghiên cứu cơ chế sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, không coi đất nông nghiệp đơn thuần chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà hướng tới không gian môi trường và sinh thái; dịch vụ, du lịch, thương mại về nông nghiệp; sản xuất dược liệu trong nông nghiệp.

img_7623_yjsp.jpg
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà  - ảnh: Việt Dũng 

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lưu ý TP.HCM cần làm tốt công tác quy hoạch, cần tính toán ngay từ bây giờ để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đồng thời cần mạnh dạn đề xuất cơ chế liên vùng, liên tỉnh điều tiết bảo vệ, quản lý nguồn nước vì TP.HCM nằm ở hạ nguồn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, sau cuộc họp này, TP.HCM trình hồ sơ tổng kết báo cáo Bộ Chính trị để ban hành Nghị quyết mới trong đó tập trung 11 vấn đề lĩnh vực quản lý đất đai đặt ra. Đồng thời, cần xây dựng Đề án trình Chính phủ, Chính phủ trình QH ban hành Nghị quyết cơ chế mới cho TP.HCM. 

tang-tranh.jpg
Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tặng quà lưu niệm tới Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường

TPHCM sẵn sàng thí điểm cơ chế, chính sách

Lắng nghe các ý kiến đóng góp của Lãnh đạo Bộ TN&MT, các đơn vị chuyên môn, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết, trong hai năm vừa qua, dịch bệnh khiến một số công việc chưa được triển khai, trong đó có công tác về tài nguyên và môi trường. Do đó, thành phố đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để phát triển cho xứng đáng với tiềm năng, những việc đã đủ rõ, đã chín muồi thì thực hiện triệt để, những việc chưa rõ thì sẵn sàng thực hiện thí điểm để tìm lối đi từ thực tiễn từ đó đúc rút những kinh nghiệm quý báu để hoàn thiện hệ thống chính sách.

6l0a2786.jpg
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng quà lưu niệm tới lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh

Bí thư Thành uỷ  Nguyễn Văn Nên đồng tình và thống nhất cao các ý kiến tại cuộc họp về quan điểm, tư duy, phương pháp, cách làm của hai bên. Bí thư Thành uỷ cho rằng, những kiến nghị của Thành phố liên quan đến đất đai đều đã có trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), những nội dung đề xuất trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đều có sự thống nhất cao. Với những nội dung còn nhiều vướng mắc, tồn tại, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho rằng cần mạnh dạn phối hợp thực hiện thí điểm để từ đó có cơ sở thực tiễn và đưa ra giải pháp phù hợp.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đề nghị UBND Thành phố tiếp thu đầy đủ và cho biết Ban Thường vụ Thành uỷ sẽ tiếp tục chỉ đạo bổ sung báo cáo Bộ Chính trị, cũng như đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bộ khung về các cơ chế, chính sách thí điểm.

Khương Trung - Nguyễn Quỳnh