Hồi sinh vùng đất chết
Xã hội - Ngày đăng : 09:27, 18/10/2022
Xóa hình ảnh rừng Sác nghèo đói
Hằn sâu trong suy nghĩ của tôi, chiến tranh đã mang đi hết những gì tươi tốt nhất của vùng đất Cần Giờ (rừng Sác). Vì vậy, mỗi lần nhắc đến địa danh này, ngoài sự tự hào, cảm phục về những chiến công hiển hách của các chiến sỹ là sự xót xa cho những giá trị sinh thái mà chiến tranh đã tàn phá. Ký ức văn học trong tôi là hình ảnh rừng Sác của sự kiệt quệ, những mái nhà xơ xác, những người sống ảm đạm trên một nền chiến khu hoang tàn. Rừng Cần Giờ luôn “nghèo nàn” trong mắt tôi.
Ấy vậy mà những ngày cuối tháng 8/2022, có dịp đi công tác đến vùng đất này, thật ngỡ ngàng làm sao, trước mắt tôi là một không gian rừng ngập mặn xanh ngát, thoáng đãng, ôm trọn lấy tôi, xoa dịu những căng thẳng và mệt mỏi bươn chải đời thường. Ngồi trên đầu mũi ca nô, đi giữa rừng đước mênh mông, tôi như cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những cây đước xanh đã tồn tại hàng trăm năm qua với nhiều thân cây rễ chằng chịt, cao vút, tán lá phủ xanh kín mặt sông. Khó lòng mà nghĩ được rằng nơi đây hơn 2 vạn hecta rừng đã bị hàng nghìn lít chất độc và hàng vạn tấn bom của giặc hủy diệt.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, thời điểm năm 1975, rừng Cần Giờ gần như bị hủy diệt hoàn toàn, bom đạn và chất độc hóa học đã biến rừng ngập mặn Cần Giờ trở thành “vùng đất chết”, rừng xác xơ, chỉ còn lác đác vài cây bần, cây mắm… gượng gạo vươn chồi. Ước tính 57% diện tích rừng bị chết. Để bắt tay vào khôi phục diện tích rừng, năm 1978 TP.HCM đã giao 1/3 diện tích đất rừng hiện có cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng, phần còn lại do các đơn vị nông, lâm trường trực tiếp quản lý; một phần của diện tích rừng được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, xây dựng rừng giống...
Sau hơn 40 năm khôi phục, giờ đây rừng Cần Giờ đã trở thành một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất nước ta. Với cảnh quan tươi đẹp, hệ thống động - thực vật đa dạng, phong phú cả về số lượng và chủng loại. Bên dưới những tán rừng xanh mướt và tươi tốt là hệ động vật phong phú. Rừng có 157 loại thực vật thuộc 76 họ; trong đó, có 35 loại cây rừng ngập mặn thuộc 24 họ, 36 chi. Các loài cây chủ yếu ở rừng ngập mặn Cần Giờ là bần trắng, mắm trắng, đước đôi, ổi, trang, đứng… Ngoài ra, tại đây có thể tìm thấy nhiều loại cây nước lợ như bần chua, ô rô, dừa lá, ráng…
Với hệ động - thực vật đa dạng, rừng ngập mặn Cần Giờ được xem như lá chắn trước tác động của bão lũ hay sự bào mòn từ dòng chảy của thủy triều, sóng biển. Hệ rễ cây chằng chịt của rừng có khả năng làm giảm năng lượng tác động của sóng biển, nhờ đó hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở. Nhờ khả năng giữ, cố định vật chất lơ lửng và phù sa, rừng ngập mặn có thể giúp bồi đắp “vùng đất mới”, đồng thời, giảm tác động của tình trạng nước biển dâng cao, xâm nhập mặn.
Rừng phòng hộ Cần Giờ có tổng diện tích 34.813,64ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ là đơn vị “chủ rừng” chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng phòng hộ Cần Giờ. Ban Quản lý tự tổ chức lực lượng bảo vệ rừng với 7 Phân khu trực thuộc; thực hiện chính sách giao khoán cho 11 đơn vị nhận khoán, 135 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng; hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Phân khu trong công tác tổ chức tuần tra, quản lý trên diện tích rừng được giao khoán. Đa số những hộ dân là những cặp vợ chồng, cha truyền con nối.
No đủ nhờ giữ rừng
Có thể khẳng định, rừng phòng hộ Cần Giờ được bảo vệ thành công và ngày càng phát triển, một phần có sự hy sinh, cống hiến của các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Hàng trăm hộ gia đình không quản khó khăn, tình nguyện sống trong vùng lõi để giữ rừng và khoanh nuôi thủy - hải sản dưới tán rừng.
Ông Trần Minh Tùng - đại diện hộ giữ rừng ở phân khu 3 chia sẻ, cách đây khoảng 20 năm, những ai bỏ nhà lên rừng Cần Giờ dựng chòi canh bị coi là “lập dị”. Thế nhưng, vì lá phổi xanh của thành phố, những người này đã trồng và canh giữ hàng chục ngàn hecta rừng đước tại Cần Giờ suốt nhiều năm qua. Ông Tùng cho biết: “Mẹ tôi tham gia trồng rừng từ năm 1979. Khi ấy, tôi còn nhỏ và tham gia trồng rừng cùng mẹ. Hồi xưa đi trồng rừng rất cực, nhưng mà vui lắm. Mỗi năm gia đình tôi trồng 300 - 400 hecta. Mỗi đội trồng rừng gồm 60 - 80 người dân xung phong, nhiều người từ xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ và những khu vực lân cận. Lúc ấy, trong rừng ngập mặn di chuyển còn khó khăn, phương tiện liên lạc không có, nguồn nước ngọt rất khan hiếm. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn giữ niềm tin bám trụ lại nơi rừng Sác”.
Giờ đây, những khó khăn đó đã qua, Nhà nước quan tâm và dành nhiều chế độ đãi ngộ đối với các hộ dân nhận khoán giữ rừng. Mức khoán cho các hộ giữ rừng hiện nay là 1.156.000đ/ha/năm, cao hơn hẳn so với các mô hình khoán rừng ở những địa phương khác. Nhờ thu nhập từ khoán rừng, người dân từ các xã Lý Nhơn, Bình Khánh... đã dần dần thoát khỏi đói nghèo, với 97% số hộ dân đã có điện, 100% tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường hoàn thành phổ cập trung học cơ sở... Nhiều hộ giữ rừng đã nuôi được con đi học đại học trong thành phố.
Anh Nguyễn Văn Dũng, người được giao nhận khoán 10ha rừng phòng hộ chia sẻ: “Gia đình tôi được nhận khoán bảo vệ, chăm sóc rừng hơn 15 năm nay, bên cạnh được hỗ trợ kinh phí khoán bảo vệ rừng, chúng tôi còn được tạo điều kiện khai thác mặt nước để nuôi hàu nên cuộc sống có thu nhập ổn định. Công tác bảo vệ rừng hiện nay rất chặt chẽ, tình trạng xâm hại rừng, đánh bắt động vật gần như không còn xảy ra”.
Trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm và thử thách, rừng Cần Giờ đã mang một vóc dáng mới. Một rừng Cần Giờ tươi xanh với những hoạt động du lịch của hệ sinh thái rừng ngập mặn và những hệ thống giao thông, điện lưới được đầu tư hiện đại. Đi tới đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng đước, những vuông tôm, những thửa ruộng muối trắng lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Từ những nỗ lực trong bảo vệ, phát triển, phục hồi rừng Cần Giờ, ngày 21/1/2000 UNESCO đã quyết định công nhận Cần Giờ là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”. Ngoài ra, đây còn được đánh giá là khu du lịch trọng điểm quốc gia của Việt Nam và được bình chọn là 1 trong 5 di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của chương trình “TP.HCM - 100 điều thú vị”.