Quá trình đưa dự thảo Luật Đất đai trình Quốc hội
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:38, 31/05/2022
Quá trình sửa đổi Luật Đất đai chính thức được thực hiện với sự ra đời của Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" vào ngày 16/6/2022. Từ đây, các hoạt động sửa đổi pháp luật về đất đai được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN&MT và các tổ chức chính trị - xã hội... liên tục được tổ chức. Dự kiến, dự thảo Luật đất đai sẽ được trình lần đầu Quốc hội vào tháng 10/2022.
1.Ngày 16/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Nghị quyết được kỳ vọng bảo đảm được hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất sẽ giúp giảm thiểu được lãng phí, tiêu cực; giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến đất đai; đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả và bền vững hơn, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 857/QĐ-TTg về việc Kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Đất đai sửa đổi.
Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà làm Phó Trưởng ban thường trực. Bộ TN&MT là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo.
3. Ngày 20/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo; rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật, bám sát chủ trương của Nghị quyết số 18; Kết luận của Ban Cán sự đảng Chính phủ.
4. Ngày 21/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII, trong đó có Nghị quyết 18 về đất đai.
Hội nghị được kết nối với 11.661 điểm cầu cấp huyện và cấp xã trên toàn quốc với hơn 1 triệu đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Theo Thủ tướng, cần đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn như: đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
5. Ngày 25/7, công bố Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng và khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai 2013, đồng thời bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn.
6. Trong tháng 8, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành liên tục thảo luật về dự thảo Luật Đất đai
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình làm việc với Bộ TN&MT và chủ trì hội thảo góp ý sửa Luật Đất đai.
- Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên thảo luận của Chính phủ về việc sửa đổi Luật Đất đai.
- Bộ trưởng Bộ TN&MT Tràn Hồng Hà chủ trì các cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp. Bộ TN&MT tổ chức các hội thảo lấy ý kiến ở 3 miền…
7. Ngày 7/9/2022 Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) tại Tờ trình số 307/TTr-CP.
Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.
8. Ngày 15/9, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện Dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV.
9. Ngày 22/9 tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định, đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.
10.Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10/2022 tới đây, Chính phủ sẽ lần đầu trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự kiến, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến trong kỳ 4, kỳ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).