Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Sản phẩm trí tuệ, công phu, khoa học
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 17:36, 16/10/2022
Luật Dầu khí ra đời từ năm 1993, khi hoạt động Dầu khí của chúng ta đã đạt được những thành tựu rất to lớn. Từ năm 1961 đến trước năm 1975 hoạt động dầu khí được triển khai song song ở cả 2 miền đất nước. Ở miền Bắc chúng ta triển khai với sự trợ giúp chủ yếu của Liên Xô cũ và của Rumani. Ở phía Nam, hoạt động dầu khí được triển khai bởi chính quyền Sài Gòn cũ và trực tiếp là công ty ExxonMobil. Lúc đó ExxonMobil đã có phát hiện dầu khí ở mỏ Bạch Hổ và đang khoan giếng khoan thăm dò ở mỏ Đại Hùng thì giải phóng miền Nam tháng 4/1975, ExxonMobil buộc phải rút khỏi nước ta.
Sau giải phóng, Bộ Chính trị và Nhà nước đã rất quan tâm phát triển hoạt động Dầu khí, với chủ trương tiếp tục thúc đẩy hoạt động đầu tư trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí song song cả miền Bắc và miền Nam. Chính vì vậy ngay từ năm 1977 – 1978, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà trước đây là Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt đã thành lập ra Công ty Dầu khí 2 để triển khai các hoạt động dầu khí ở phía Nam, ký kết hợp tác với một loạt các công ty dầu khí nước ngoài như: Deminex (CHLB Đức), Agíp (Italia), Bow Valley (Canada)... Sau đó, các công ty này mặc dù đã có phát hiện dầu khí ở một số lô nhưng họ phải chấm dứt hợp đồng và rút khỏi nước ta vì lý do cấm vận của Mỹ và vì sự kiện năm 1979 ở Campuchia. Ở miền Bắc chúng ta vẫn duy trì hoạt động tìm kiếm thăm dò trên đất liền và phát hiện ra mỏ khí Tiền Hải C dưới sự trợ giúp của Liên Xô trong suốt từ những năm 1961.
Trước tình trạng bị Mỹ cấm vận, sự rút lui của các công ty dầu khí phương tây, những năm 1979 – 1980, Đảng và Chính phủ đã thúc đẩy việc hợp tác với Liên Xô cũ. Hiệp định liên chính phủ giữa hai nước Việt Nam – Liên Xô được ký kết và Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro được thành lập vào năm 1981 với nhiệm vụ triển khai hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tập trung vào bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn, bao gồm mỏ Bạch Hổ và mỏ Đại Hùng. Kế thừa những thành quả trước đó, sau này Vietsovpetro đã thăm dò mở rộng mỏ Bạch Hổ và đưa vào phát triển khai thác năm 1986; tiếp tục triển khai khoan thăm dò cấu tạo Đại Hùng và phát hiện dầu khí mỏ Đại Hùng năm 1988.
Đến năm 1988 hoạt động đầu tư nước ngoài bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau khi có chính sách mở cửa và kêu gọi đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư nước ngoài bắt đầu từ năm 1988. Ngày 19/5/1988, chúng ta đã ký hợp đồng dầu khí đầu tiên ở Lô 06 và Lô 19 với ONGC - công ty dầu khí Ấn Độ và sau đó tiếp tục ký một loạt hợp đồng dầu khí từ năm 1988 - 1992. Có thể thấy, khi chưa có Luật Dầu khí chúng ta đã ký rất nhiều hợp đồng Dầu khí và cũng đã ban hành một hợp đồng Dầu khí mà lúc bây giờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 1993, Luật Dầu khí ra đời với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy hoạt động dầu khí; bao trùm các hoạt động dầu khí vào trong khuôn khổ pháp lý mà trước đây chúng ta chưa có. Từ khi có Luật dầu khí 1993 chúng ta đã đẩy mạnh được hoạt động đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí, tiếp tục thu hút được đầu tư nước ngoài để gia tăng sản lượng khai thác. Ở vào đỉnh cao của hoạt động khai thác dầu khí vào khoảng năm 2014, chúng ta khai thác khoảng 27 – 28 triệu tấn dầu quy đổi mỗi năm. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay chỉ còn khoảng 17 – 18 triệu tấn dầu khí quy đổi, thấp hơn so với giai đoạn đỉnh cao đến 10 triệu tấn.
Luật Dầu khí đã sửa đổi 2 lần vào năm 2000 và 2008, nhưng thực chất những lần sửa đổi này không lớn, chủ yếu là nhằm tích hợp với thay đổi của những Luật khác, đặc biệt là liên quan đến Luật thuế và Luật đầu tư. Đến 2014, Nghị định 95 của Chính phủ ra đời là một bước cụ thể hóa hướng dẫn để thực hiện Luật Dầu khí sửa đổi năm 2008. Nhưng rất tiếc là khi Nghị định 95 ra đời cộng với biến đổi trên thị trường dầu khí với khủng hoảng giá dầu, cũng như hiện trạng tài nguyên, tình hình địa chính trị thế giới và khu vực, một điều có thể thấy rõ là thu hút đầu tư vào ngành dầu khí kém hẳn. Từ năm 2015 đến nay số lượng các hợp đồng dầu khí mới rất ít ỏi được ký kết. Một trong những nguyên nhân chính là các điều khoản của chúng ta không còn đủ hấp dẫn trong điều kiện mới đã có nhiều thay đổi và công tác triển khai trên thực địa gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn.
Một bất cập nữa là chúng ta nhìn thấy rõ sự suy giảm về sản lượng khai thác nhưng cũng không có cách nào để đưa các mỏ mới, mỏ nhỏ vào khai thác. Chúng ta nhìn thấy có cơ hội để đẩy nhanh hoạt động khai thác các mỏ khí nhưng vì đặc thù dự án khí là dự án phát triển theo chuỗi, đã và đang gặp rất nhiều vướng mắc về thủ tục. Chính vì vậy mà cụm khí Lô B phát hiện năm 1997 đến thời điểm hiện nay vẫn chưa đưa vào phát triển khai thác. Hay mỏ khí Cá Voi Xanh là một mỏ rất lớn được phát hiện năm 2011, đến nay, cũng 11 năm chúng ta chưa đưa vào phát triển khai thác được.
Một điều nữa mà chúng ta dễ dàng nhận thấy các Bộ luật mới ra đời sau 2008 như Luật Đầu tư, Luật quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước có những xung đột và có cả khoảng trống với Luật Dầu khí. Hàng loạt những bất cập cho chúng ta thấy rất cần phải điều chỉnh, sửa đổi Luật Dầu khí.
Rất mừng là Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành ủng hộ, thấy sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí để đưa tiềm năng tài nguyên Dầu khí còn lại vào phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Quốc hội đã đưa Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022. Trong quá trình xây dựng Luật, Hội Dầu khí Việt Nam với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp có kinh nghiệm, hiểu biết sâu về hoạt động Dầu khí đã đồng hành, tích cực tham gia ý kiến với Ban soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua rất nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật. Đến nay, chúng tôi thấy rằng Dự thảo Luật đã có sự tích hợp, tiếp thu, chỉnh sửa từ các góp ý chính đáng, thiết thực và cho ra được một sản phẩm rất đáng trân trọng, trí tuệ, công phu, khoa học, tiến bộ, cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, ở góc độ là những người chứng kiến hoạt động dầu khí từ trước khi Luật Dầu khí ra đời và cho đến hiện nay gần tròn 30 năm, chúng tôi thấy vẫn còn một số ít những vướng mắc trong Dự án Luật và mong rằng sẽ tiếp tục được xử lý trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời Điều lệ và Quy chế Tài chính của Tập đoàn Dầu Khí cũng cần phải sửa đổi cập nhật theo tinh thần của Luật Dầu khí sửa đổi mới. Mong Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ sớm được thông qua và thực thi, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp, tiếp tục tu hút đầu tư các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm đưa phát hiện thêm nguồn tài nguyên Dầu khí còn nhiều tiềm năng vào phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.