Xuất bản Việt Nam xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa

Xã hội - Ngày đăng : 10:40, 10/10/2022

(TN&MT) - 70 năm song hành cùng bước phát triển của cách mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, Ngành Xuất bản, In và Phát hành Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia Trung ương. Sắc lệnh ra đời có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới cho sự nghiệp xuất bản ở nước ta. Từ đó, ngày 10/10 trở thành Ngày truyền thống của ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam.

dkm.jpg
Cuốn “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc xuất bản năm 1927

Đồng hành cùng sự nghiệp kháng chiến kiến quốc

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nền xuất bản cách mạng nước ta (bao gồm xuất bản, in, phát hành), bắt đầu bằng dấu mốc quan trọng đầu tiên: Xuất bản cuốn “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc (năm 1927). Tiếp đến, biên tập, xuất bản một số tác phẩm quan trọng của C.Mác, Ph.Ăngghen, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước…

Những công trình xuất bản này vừa luận giải sâu sắc, thuyết phục nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng ta, vừa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, “kháng chiến, kiến quốc”; là những cuốn sách gối đầu giường của hàng vạn cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và người dân yêu nước; là nguồn động viên tinh thần, cổ vũ hành động cách mạng của quần chúng nhân dân; khơi dậy lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc, kêu gọi toàn dân đứng lên giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

bbb75fc2e06724397d76-460.jpg
Sách xuất bản thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Hân hoan với không khí Cách mạng Tháng Tám và tự hào về một đất nước vừa được khai sinh, tuyên bố độc lập với toàn thế giới là không khí chung trong các xuất bản phẩm thời kỳ này. Những cuốn sách ra đời tập trung tuyên truyền nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, đó là vừa tiếp tục đấu tranh giữ vững nền độc lập non trẻ, vừa tăng gia sản xuất diệt “giặc đói”, vừa nhân rộng phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ, diệt “giặc dốt” trong nhân dân…

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoạt động xuất bản luôn bám sát nhiệm vụ chính trị ở từng giai đoạn, tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

mot-so-tac-pham-van-hoc-nghe-thuat-cua-cac-van-nghe-si-trong-khang-chien-1945-1954.jpg
Một số tác phẩm xuất bản giai đoạn 1945-1954

Những tác phẩm xuất bản thời kỳ này đã khơi dậy lòng yêu nước và sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu anh dũng quật cường, lập nên những chiến công hiển hách của dân tộc mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chiến đấu bảo vệ biên giới và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Bước sang thời kỳ Đổi mới, hoạt động xuất bản tập trung xuất bản các thể loại sách chính trị, lý luận, pháp luật, góp phần quan trọng khẳng định nhất quán, vững chắc, tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân.

Thời kỳ này, thông qua các xuất bản phẩm, Ngành Xuất bản đã làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục và cung cấp tri thức cho xã hội, chuẩn bị về mặt lý luận cho công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, đổi mới đất nước; khẳng định chân lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; phản ánh đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

Công cuộc Đổi mới từng bước gặt hái thành công đưa nước ta bước vào thời kỳ mới, ngày càng khẳng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; giai đoạn này cũng đồng thời ghi nhận đỉnh cao rực rỡ của Ngành Xuất bản nước nhà. Nhiều bộ sách có giá trị cao, các công trình tổng kết, nghiên cứu về lịch sử, kháng chiến, về chính trị, văn hóa, xã hội, văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ, quản lý kinh tế, về các lãnh tụ, danh nhân... được xuất bản có sự đầu tư cả về nội dung và hình thức; hoạt động xuất bản cũng mở rộng các mối quan hệ hợp tác ra nước ngoài.

Nỗ lực tìm hướng đi mới

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ thông tin và cạnh tranh gay gắt giữa sách với các loại hình thông tin, giải trí trên mạng internet đã đặt Ngành Xuất bản trước nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, ở vào những thời điểm vô cùng khó khăn, Xuất bản Việt Nam vẫn luôn kiên định quan điểm, đường lối của Đảng, nỗ lực tìm hướng đi phù hợp với xu thế của thời cuộc. Ngành Xuất bản đã xây dựng hệ giải pháp đồng bộ, tập trung hiện đại hóa hoạt động xuất bản với kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin mở; đổi mới công tác quản lý hoạt động xuất bản theo hướng tăng cường vai trò công tác quy hoạch, định hướng, xây dựng hệ thống pháp luật đối với hoạt động xuất bản; quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn lại cơ sở đào tạo xuất bản, in, phát hành theo hướng chính quy, hiện đại; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm; mở rộng hợp tác, liên kết và hội nhập quốc tế sâu rộng về khoa học - công nghệ, kỹ thuật xuất bản nhằm đa dạng hóa sản phẩm xuất bản, nâng cao năng lực nội tại của hoạt động xuất bản Việt Nam; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước mắt, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành đang tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm:

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động xuất bản; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Chỉ thị số 44-CT/TWngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị cho các cấp ủy đảng của các nhà xuất bản.

Gắn chặt hoạt động xuất bản với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đó là: “Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”; thực hiện tốt Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư (khóa X) về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản và Thông báo số 19-TB/TW ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; tăng cường quảng bá, truyền thông sách, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc. Đưa công tác quảng bá, truyền thông sách tương xứng với đòi hỏi, yêu cầu, mục tiêu mới. Tích cực tham gia các triển lãm, hội chợ sách quốc tế, nâng số l­ượng và chất lư­ợng các xuất bản phẩm tham gia, khuyến khích, tạo sân chơi tiềm năng cho các đơn vị xuất bản trong liên doanh, liên kết quốc tế. Đổi mới phương thức, nội dung tổ chức các hội chợ sách phù hợp với nhu cầu độc giả. Tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng, phát huy mặt tích cực, tháo gỡ khó khăn, hạn chế mô hình phố sách; làm cho các phố sách, đường sách thực sự là thiết chế văn hóa quan trọng của mỗi địa phương (mô hình phát triển văn hóa đọc cộng đồng, thông qua hoạt động của nhà văn hóa thôn, bản...). Quan tâm thích đáng đến mạng lưới phát hành sách ở miền núi, vùng sâu, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển, mức độ thụ hưởng và đời sống văn hoá giữa các vùng, miền.

Bám sát thực tiễn, nêu cao tính chiến đấu trong hoạt động xuất bản. Xác định mục tiêu xuất bản sách có chất lượng tốt góp phần nâng cao nhận thức và xây dựng bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có như vậy, tính chiến đấu, tính bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng mới được bảo đảm, hiệu quả được nâng cao.

Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng làm chủ công nghệ phù hợp với yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản điện tử; chú trọng quy hoạch, bồi dưỡng nhân sự lãnh đạo kế cận và nguồn lực biên tập viên, tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự kéo dài.

a1.jpg
Trong khó khăn thách thức, Ngành Xuất bản Việt Nam vẫn luôn kiên định quan điểm, đường lối của Đảng thể hiện trong các xuất bản phẩm

Khẳng định niềm tin trước Đảng

Quá trình lãnh đạo Cách mạng, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản, tại mỗi giai đoạn lịch sử, tương ứng với nhiệm vụ của cách mạng và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, Đảng ta đều có những chỉ đạo kịp thời và phù hợp tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển. Hoạt động xuất bản đã trực tiếp góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.

70 năm với nhiều thăng trầm, khó khăn, thách thức, hoạt động xuất bản đã có những bước chuyển biến ngày càng tích cực và tiến bộ hơn, có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm không ngừng được nâng lên, cung cấp cho xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức trên nhiều lĩnh vực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, nâng cao dân trí, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước. Hoạt động trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự cạnh tranh khốc liệt, toàn Ngành Xuất bản đã có nhiều cố gắng thích ứng và có bước phát triển đáng kể trong đổi mới công nghệ. Công tác quản lý Nhà nước có sự kiện toàn, đổi mới theo quy định của Luật Xuất bản, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển của toàn Ngành.

ke-hinh-xoan-oc-noithatmanhhe.jpg
Những cuốn sách làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân

Có thể thấy, từ những ngày đầu cách mạng cho đến thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, Đảng ta luôn dành sự quan tâm đến công tác xuất bản. Nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng đã được ban hành, trong đó Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” là văn bản chỉ đạo có ý nghĩa to lớn, khẳng định rất rõ vị trí, vai trò và định hướng phát triển của hoạt động xuất bản. Theo đó, Chỉ thị nêu rõ: “Hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Cần xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Việc Đảng ta tiếp tục khẳng định xuất bản là một lĩnh vực tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận văn hóa Việt Nam không phải là quan điểm mới mà là sự thể hiện tính nhất quán trong cách nhìn nhận, đánh giá về vị trí, vai trò của xuất bản trong sự nghiệp Cách mạng; cho thấy sự phát triển nhận thức và lý luận của Đảng về xuất bản, chỉ ra định hướng phát triển xuất bản trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; vì vậy cần xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là định hướng quan trọng, đúng đắn mà Đảng ta đã xác định để ngành xuất bản phát triển ổn định, vững chắc trong bối cảnh thực hiện hiệu quả, đồng thời chức năng tư tưởng - văn hóa (nhiệm vụ chính trị), với chức năng kinh tế (nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh); góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khẳng định niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Việt Hải