Đảm bảo tính thống nhất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với một số Luật có liên quan

Xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ngày đăng : 15:50, 14/10/2022

(TN&MT)-Ngày 14/10, tại Hòa Bình, Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đảm bảo tính thống nhất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với một số Luật có liên quan”.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ TN&MT chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai là đạo luật hết sức quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quy định của nhiều Luật khác. Đây cũng là đạo luật phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Do vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai là sự kiện có ý nghĩa chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng, có thể coi đây là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm hàng đầu trong định hướng chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV.

Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Kế hoạch số 329 ngày 30/9/2022, trong đó, có giao Ủy ban Pháp luật thẩm tra về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật. “Tại Hội thảo này, Ủy ban Pháp luật mong muốn được lắng nghe ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu mối quan hệ và tính thống nhất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các Luật, Nghị quyết có liên quan, trọng tâm là các văn bản điều chỉnh lĩnh vực dân sự, nhà ở, đầu tư, xây dựng, quy hoạch”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

hoang-thanh-tung-ubpl(1).jpg
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo

Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Bùi Văn Dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế đường lối chính sách của Đảng, nhất là việc thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW, giải quyết được các vướng mắc trên thực tiễn và cơ bản thống nhất với các luật có liên quan. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Dự thảo Luật với Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng cho thấy, vẫn còn một số điểm chưa thống nhất.

Cụ thể về phân loại đất, theo Luật Đất đai hiện hành và Dự thảo về nguyên tắc sử dụng đất là đúng mục đích sử dụng đất; về loại đất là phân loại để quản lý chung về đất; về phân loại đất gồm đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất sản xuất kinh doanh (Khu công nghiệp…).

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Xây dựng quy định nguyên tắc sử dụng đất theo mục đích sử dụng, đúng chức năng theo đồ án quy hoạch được duyệt; về loại đất phân loại theo chức năng để xây dựng và quản lý công trình xây dựng trên đất; phân loại gồm đất ở thấp tầng, đất nhà ở xã hội, đất công viên cây xanh, đất cây xanh đơn vị ở…

Để đảm bảo sự thống nhất tại các quy định này, ông Dưỡng cho rằng, Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị đã xác định “Bảo đảm phân loại đất đô thị gắn vưới quy hoạch đô thị và mục đích sử dụng đất…” do đó, Dự thảo Luật Đất đai cần chia ra các nhóm đất và loại đất. Theo đó, về nhóm đất: nhóm đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất ở đô thị, điểm dân cư nông thôn, đất sản xuất kinh doanh… đất chưa sử dụng.

Về loại đất cần quy định chi tiết như hiện nay, đồng thời cập nhật đất mà quy hoạch xây dựng xác định. “Thực hiện được điều này, chúng ta sẽ đảm bảo được tính thống nhất cho việc xác định các giấy tờ đất đai để cấp Giấy phép xây dựng”, ông Dưỡng chia sẻ.

toan-canh.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Bên cạnh đó, các loại bản đồ quy hoạch, kế hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất sẽ thể hiện thông tin về nhóm đất và các loại đất không có trong quy hoạch chuyên ngành. Các loại đất đã được xác định theo quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch xây dựng theo thực hiện theo pháp luật quy hoạch đó.

Cũng liên quan tới việc đảm bảo sự thống nhất giữa Dự thảo Luật với dự án đầu tư xây dựng và công trình xây dựng, ông Dưỡng đề xuất cần thống nhất tên gọi dự án với Luật Xây dựng và các luật liên quan, tránh tình trạng “vận dụng” luật hoặc “lách luật”. Vì theo Dự thảo Luật quy định tên các dự án gồm Dự án xây dựng công trình, dự án đô thị, dự án khu công nghiệp, khu chế xuất… còn theo Luật Quy hoạch đô thị, Xây dựng Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng đô thị, khu đô thị mới, đô thị mới, Dự án hạ tầng khu công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng xây dựng…

Góp ý về tính thống nhất của Dự thảo Luật và các Luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư, TS. Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, về góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì người sử dụng đất có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hợp tác kinh doanh và góp vốn vào doanh nghiệp để tạo thành vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 không quy định rõ về việc góp vốn trong 2 trường hợp này với những cơ chế riêng phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng giao dịch. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai quy định đầy đủ, rõ ràng về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện hợp tác kinh doanh và góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tạo thành vốn điều lệ của doanh nghiệp.

TS. Hồ Quang Huy kiến nghị, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tổng thể trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi theo hướng: Góp vốn bằng quyền sử dụng đất hình thành pháp nhân mới (có chuyển quyền sử dụng phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất không hình thành pháp nhân (không chuyển quyền sử dụng đất và có thời hạn góp vốn theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (về hợp đồng hợp tác) hoặc quy định của Luật Đầu tư năm 2020 (về Hợp đồng Hợp tác kinh doanh-BCC).

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng, khách quan, khoa học các ý kiến tại Hội thảo để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Thứ trưởng cũng có những trao đổi cụ thể về giải quyết mâu thuẫn, trùng lắp giữa quy định của Dự thảo Luật với một số Luật có liên quan.

Trường Giang - Khương Trung