Quảng Ninh: Chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

Môi trường - Ngày đăng : 14:16, 14/10/2022

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, môi trường khu vực nông thôn được cải thiện, việc thu gom xử lý rác thải, nước thải tập trung ở nhiều khu vực có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Quảng Ninh là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển trên mọi lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch do vậy dẫn tới áp lực rất lớn về môi trường. Trong khi đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với diễn biến khó lường đối với công tác quản lý bảo vệ môi trường, đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó chủ động linh hoạt, phù hợp và hiệu quả.

anh-qn-01.jpg
Cán bộ phụ nữ xã Dực Yên, huyện Đầm Hà hướng dẫn người dân ở thôn Tây xây dựng hố rác hữu cơ tại gia đình góp phần bảo vệ môi trường

Để nâng cao ý thức của người dân, nhất là khu vực nông thôn, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường.

Từ đầu năm đến nay, Tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn, phổ biến một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho 500 người là cán bộ phụ trách môi trường của các tổ chức chính trị-xã hội, các sở ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn khu vực miền Bắc cho hơn 100 người.

Chia sẻ với PV, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Thị Kim Nhàn cho biết, ngay từ khi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 được triển khai đến nay, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hơn 6.600 hội nghị truyền thông, tập huấn, hội thảo chuyên đề về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho gần 500 nghìn lượt hội viên phụ nữ.

Trong đó, các cấp Hội đã cấp phát miễn phí 36.000 tờ rơi/tờ gấp/quyển tài liệu tuyên truyền về Luật Bảo vệ Môi trường, phòng chống rác thải nhựa, phân loại rác thải sinh hoạt, sử dụng rác tái chế, ủ phân hữu cơ, chuyên đề 3 sạch, việc triển khai xây dựng các phong trào, cuộc vận động, các mô hình/Câu lạc bộ Bảo vệ môi trường của phụ nữ.

anh-qn-02.jpg
Cán bộ xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà hướng dẫn bà con vùng DTTS bỏ rác sinh hoạt đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường vùng nông thôn

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi và thái độ về bảo vệ môi trường cho hội viên, nông dân. Đồng thời, hướng dẫn và vận động hội, viên nông dân phân loại chất thải ngay tại gia đình, huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải nông thôn.

Những năm qua, nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường được các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh phát động và đạt kết quả hữu hiệu, nhất là phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “Giảm thiểu rác thải nhựa” đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân, góp phần cùng nhau chung tay gìn giữ môi trường ngày càng sạch, đẹp.

Nâng cao năng lực thu gom, xử lý rác

Trao đổi với PV, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ninh, Nguyễn Như Hạnh chia sẻ, để nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung, cũng như khu vực nông thôn nói riêng, cần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải, thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, thiết lập các tuyến thu gom rác thải sinh hoạt và xây dựng các điểm tập kết và trung chuyển rác phù hợp, góp phần xây dựng môi trường ngày càng xanh, sạch.

anh-qn-03.jpg
Người dân xã vùng cao Hà Lâu, huyện Tiên Yên thu gom và đốt rác thải sinh hoạt tại các lò đốt thủ công đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng đang hoạt động và có 9 địa phương đầu tư bằng các nguồn với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng xây dựng 26 lò đốt rác với tổng công suất xử lý gần 32 tấn/h. Về cơ bản đảm bảo giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt(CTRSH) của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc đa dạng, hiện đại hóa phương thức xử lý chất thải theo định hướng giảm dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tăng dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt. Đến nay, 72% tổng lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, 26% tổng lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp đốt, 2 % lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp tái chế thu hồi nhựa, chế biến phân compost, đồng xử lý.

Nhiều địa phương như Uông Bí, Ba Chẽ, Cô Tô đã triển thực hiện mô hình 3R - phân loại rác tại nguồn đã mang lại hiệu quả trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn. Thông qua các mô hình tại thôn, khu dân cư như Tổ phụ nữ thu gom rác thải, Hợp tác xã thu gom rác thải giúp cho người lao động có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

anh-qn-04.jpg
Mô hình "biến rác thành tiền" tại Chi hội phụ nữ khu 5B, phường Quang Trung, TP.Uông Bí "biến" rác thải thành sản phẩm cho giá trị kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường

Trong đó nổi bật là mô hình "Biến rác thành tiền” được Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện ở 16/16 địa phương, đơn vị với 100% cơ sở Hội và chi hội. Trong 2 năm gần đây, đã có trên 200 nghìn hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại gia đình gắn với thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền” với số tiền thu được trên 3 tỷ đồng, mô hình đã được công nhận là mô hình dân vận khéo cấp tỉnh năm 2020.

Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển rác thải vùng nông thôn cần sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, nhất là tại các thôn, xóm trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân cùng chung tay hưởng ứng cách làm hay, mô hình hiệu quả góp phần cùng chung tay bảo vệ môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ninh ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Phạm Hoạch