Quảng Nam: Phát triển đô thị ven biển, ven sông thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:50, 13/10/2022

(TN&MT) - Thời tiết khắc nghiệt cùng các loại hình thiên tai đang đặt ra bài toán nan giải cho hệ thống đô thị ven sông, biển ở Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam đang tập trung các giải pháp để định hướng phát triển đô thị ven biển, ven sông theo mô hình sinh thái, thông minh gắn với phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đô thị ven sông dễ bị tổn thương

Với đường bờ biển dài gần 125km, không gian kinh tế vùng ven biển, bãi biển, không gian trên - dưới đáy biển và trên các đảo tại tỉnh Quảng Nam được thiên nhiên ưu ái cho những lợi thế lớn. Tỉnh Quảng Nam xác định, đô thị ven biển giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gồm đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), TP. Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, TP. Tam Kỳ, Chu Lai - huyện Núi Thành...

6-7-1-.jpg

Tuy nhiên, các đô thị ven biển ở Quảng Nam gồm đô thị Hội An, đô thị Vĩnh Điện, một phần đô thị Tam Kỳ, Núi Thành và khu vực Tam Hòa ở ven biển phía Nam Quảng Nam đang chịu nhiều thách thức như nhiều đô thị ven biển đang đối mặt, đó là dễ bị tổn thương trước hiện tượng nước biển dâng cao. Cuối năm 2021, hơn 3.000 ngôi nhà ở TP. Tam Kỳ ngập trong biển nước, tình trạng sạt lở tại bờ biển Cửa Đại vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các chuyên gia về BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai nhận định, trong khoảng 50 năm nữa, mực nước biển vùng đô thị Hội An - Đà Nẵng có thể tăng lên tầm 30cm so với hiện nay, đến cuối thế kỷ có thể tăng nhanh đột ngột hơn.

Bên cạnh đó là vấn đề sử dụng đất đai chưa hợp lý. Tại vùng Đông, đặc biệt khu vực ven biển, cũng như vùng Tây của tỉnh đang ưu tiên dành đất quy hoạch đô thị và theo đuổi mục tiêu phát triển đô thị bằng mọi giá, trong khi nguồn lực lại hạn chế, dẫn đến việc phân tán đầu tư. Thực tế, các dự án ven biển (bao gồm dự án đô thị) đều bị chậm tiến độ do thiếu nguồn lực, chính sách về quản lý đất đai, đầu tư còn chồng chéo.

Mặc dù đô thị ven biển luôn được xác định là vệ tinh phát triển, động lực lan tỏa của vùng, nhưng quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, việc khớp nối hạ tầng còn chậm chạp và không đồng bộ, làm giảm sút chất lượng đời sống của cư dân. Bất cập lớn nhất là hạ tầng khung liên kết giữa các đô thị vùng Đông còn yếu, nhất là mạng lưới cấp nước liên đô thị, nghĩa trang, xử lý chất thải rắn.

Phát triển bền vững

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, hiện nay, việc phát triển đô thị nói chung và đô thị ven biển ở Quảng Nam nói riêng vẫn đang tồn tại một số hạn chế như tính ổn định trong phát triển theo quy hoạch xây dựng chưa cao; Quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị chưa đáp ứng yêu cầu; Đô thị Hội An, đô thị Vĩnh Điện, một phần đô thị Tam Kỳ, Núi Thành và Tam Hòa ở khu vực ven biển phía Nam đang bị tác động bởi nước biển dâng và xâm nhập mặn; Thách thức mà nhiều đô thị ven biển đang đối mặt là dễ bị tổn thương trước hiện tượng nước biển dâng cao.

6-7-3-.jpg

“UBND tỉnh Quảng Nam đang lập quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây là lần đầu tiên địa phương lập quy hoạch chi tiết về phát triển đô thị. Vừa qua, tỉnh đã tổ chức hội thảo trong 2 ngày để lấy ý kiến về quy hoạch tỉnh Quảng Nam với các chuyên gia trong và ngoài nước. Sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức các hội thảo chuyên sâu hơn về các vấn đề cần được làm rõ trong quy hoạch. Trong đó có các vấn đề rất quan trọng như: phát triển đô thị Quảng Nam như thế nào, thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với việc quy hoạch và phát triển đô thị trong mối quan hệ với các đô thị vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.

Ông Lê Trí Thanh -

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Do đó, tỉnh Quảng Nam định hướng phát triển đô thị ven biển, ven sông theo hướng sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn thích ứng với BĐKH. Tỉnh đang xây dựng nhóm giải pháp quy hoạch không gian, quy hoạch xây dựng và quy hoạch kiến trúc đô thị ven biển, ven sông phù hợp với điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa địa phương.

Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục xác định khu vực vùng Đông là vùng động lực, là hạt nhân để triển khai công tác quy hoạch đô thị ven sông, ven biển. Sự phát triển của chuỗi đô thị này góp phần quyết định sự phát triển của toàn tỉnh Quảng Nam thời gian tới.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vùng ven biển phía Đông Quảng Nam đang có cơ hội lớn để trở thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với hệ sinh thái, văn hóa đa dạng, kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học và công nghệ, vì vậy, nên được chú trọng để trở thành chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Từ đó, giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Võ Hà