Kon Tum: Bất chấp lệnh cấm, nhiều trạm cân nông sản trái phép vẫn hoạt động

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 08:49, 13/10/2022

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường ngày 9/4/2022 đăng bài: “Sa Thầy - Kon Tum: Ngang nhiên dựng “trụ sở” trên đất lâm nghiệp” phản ánh Công ty TNHH MTV HKT Sa Thầy tùy tiện dựng 1 “trụ sở” vừa làm nơi làm việc, ăn ở sinh hoạt, lập trạm cân…

Sau khi báo đăng, UBND tỉnh Kon Tum có Văn bản số 2819/UBND-HTKT ngày 26/8/2022 về việc quản lý các trạm cân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết có rất nhiều các trạm cân không có giấy phép, xây dựng trạm trên đất nông nghiệp, thiết bị cân không rõ ràng…

Trạm cân “mọc như nấm sau mưa”

Trong vai một người đi mua khoai mì (sắn), phóng viên đã đi đến một số điểm trạm cân quanh địa bàn TP. Kon Tum. Bà Hồng Thị Ngọc Thu, chủ một trạm cân ở thôn 2, xã Kroong cho biết: Xung quanh khu vực nhà bà có đến vài trạm cân. Đơn cử như nhà ông Mỹ, cách nhà bà vài trăm mét, ngoài đầu cầu số 4 cũng có trạm cân của gia đình anh Út, chuyên thu mua gửi hàng đi Đăk Hà… Hay như nhà ông Bình, phía bên xã Sa Bình thu mua, bán cho các công ty chế biến sắn. Bà Thu cũng thừa nhận gia đình bà cũng xây dựng kho bãi lấn ra mấy trăm mét. UBND xã đã lập biên bản xử phạt 5 triệu đồng, tuy nhiên hiện tại, bà vẫn tổ chức thu mua nông sản…

12-2-.jpg

Một trạm cân khác mọc ở làng Lung Leng

Phóng viên tiếp tục đến điểm thu mua nông sản khác tại làng Lung Leng, xã Sa Bình (huyện Sa Thầy), anh A Ên đang cuốc nương gần đó cho biết: Hằng ngày, anh và người dân thường xuyên ngửi thấy mùi khăm khẳm từ bãi tập kết bã sắn của trạm thu mua mì (sắn) của ông Trịnh Hợp, nhà ở TT. Sa Thầy dựng lên ở đây. Cũng theo chỉ dẫn của anh A Ên, phóng viên được biết: Để “chiêu dụ” người dân bán mì cho mình, ông Hợp chở bã sắn hôi thối ở một số nhà máy trên địa bàn về đổ vào cạnh bãi của mình để người dân nào cần thì xúc đi lên rẫy làm phân. Đổi lại, người dân phải bán mì cho điểm cân của ông Hợp…

Đi tiếp qua điểm dựng “trụ sở” của Công ty HKT Sa Thầy trước đây trong khu vực tiếp giáp rừng quốc gia Chư Mon Ray, phóng viên quan sát thấy điểm cân mì và tập kết nông sản vẫn còn. Tấm biển ghi Công ty HKT Sa Thầy trước đây đã dỡ đi. Nhưng những căn nhà thì vẫn tồn tại, bất chấp quy định của pháp luật.

Ai chống lưng cho các sai phạm?

Trao đổi với phóng viên, chị I Glar, Trưởng làng Lung Leng, xã Sa Bình cho biết: Trạm cân gần khu đập tràn ngoài cánh rẫy là của gia đình ông A Luy là đất nông nghiệp, từ trước đến giờ, gia đình họ vẫn trồng mì. Mấy tháng gần đây, chị I Glar thấy mấy người nói là em của ông Hợp vào đổ bê tông làm sân kho, xây nhà lên, treo biển trưng thu mua sắn. Chị I Glar băn khoăn không rõ việc lập trạm cân ở đây có đảm bảo được tính khách quan hay không. Sợ nhất là họ đưa cân không chuẩn vào lắp đặt thì bà con sẽ bị thiệt thòi…

12-1-.jpg

Trạm cân vẫn ngang nhiên mọc trong khu vực ven rừng đặc dụng Chư Mon Ray

Luật sư Vũ Anh Huy (Đoàn Luật sư Lâm Đồng) cho biết: Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo Luật sư Huy, nếu các cơ sở tùy tiện xây dựng trạm cân, trụ sở, công trình xây dựng mà không được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật, thì cần phải xử lý nghiêm. Có thể yêu cầu tháo dỡ, hoặc cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật.

Trả lời phóng viên, ông A Thuy - Chủ tịch UBND xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho biết: Diện tích đất trồng sắn trên địa bàn xã có khoảng hơn 400ha. Mới đây có một số trạm cân mọc lên ở một số làng và chưa làm đầy đủ thủ tục xin cấp phép. Trạm cân ở khu vực làng Lung Leng mà phóng viên hỏi đó là trạm cân của ông Hợp HKT - một người dân ở TT. Sa Thầy, dựng lên. Trạm xây dựng trên đất nông nghiệp, khi đoàn kiểm tra đến thì họ (HKT) nói đang làm thủ tục. Tuy nhiên, phóng viên không hiểu vị Chủ tịch xã căn cứ vào đâu mà khẳng định chắc nịch là “sẽ chuyển đổi được sang đất thương mại, dịch vụ”?

Khi phóng viên làm việc với UBND xã Mô Rai, nơi có trạm cân mọc ngay sát rừng đặc dụng quốc gia, Ông Huỳnh Tấn Tài - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo kiểm tra các trạm cân nông sản xây dựng trái phép, xã cũng biết. Việc này lãnh đạo huyện có giao cho Thanh tra huyện làm “đầu mối”, đoàn công tác cũng xuống kiểm tra một số trạm cân trên địa bàn xã, đến nay xã cũng đang chờ kết luận của thanh tra.

Để rộng đường dư luận, phóng viên tiếp tục liên lạc với UBND huyện Sa Thầy, nơi được coi là “điểm nóng” về các trạm cân mọc vô tội vạ. Trao đổi với ông Nguyễn Kim Thái - Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy về việc chấp hành chỉ đạo rà soát các trạm cân xây dựng trái phép cũng như đề xuất xử lý, ông Thái lý do đang bận họp trên UBND tỉnh nên có gì cứ đăng ký với văn phòng huyện.

Phóng viên tìm gặp ông Phan Chí Thiện - Chánh văn phòng UBND huyện Sa Thầy. Ông Thiện cho biết: “Mình mới đi học “cao cấp” về, báo có nội dung, đề xuất gì thì cứ đăng ký”. Sau đó, phóng viên có viết đề xuất, xin cung cấp thông tin. Ông Thiện “hứa” sẽ xin ý kiến của thường trực rồi thông tin lại sau nhưng đã “bặt vô âm tín”.

Được biết, ngày 26/8/2022, ông Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký Công văn số 2819/UBND-HTKT thông báo về việc quản lý hoạt động các trạm cân trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Công văn nêu rõ: UBND các huyện, thành phố cần rà soát, xử lý các trạm cân có hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng theo quy định. Vận động người dân tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm. Trường hợp không thực hiện thì tiến hành cưỡng chế và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30/9/2022.

Nhưng, việc xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trái phép các trạm cân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến nay vẫn là dấu hỏi? Các địa phương có quyết liệt phá bỏ các trạm cân trái phép hay không, cần phải sớm làm rõ tránh tình trạng “ném đá ao bèo”, “trên bảo dưới không nghe”.

Bài và ảnh: Đà Giang - Nhật Lam