Đắc Lắc: Từng bước hoàn thành tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới

Môi trường - Ngày đăng : 08:47, 13/10/2022

(TN&MT) - Ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Đắk Lắk đã có những giải pháp phù hợp cho các xã khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Trong đó, tiêu chí thứ 17 về môi trường luôn được quan tâm và chú trọng thực hiện.

Từ thay đổi nhận thức...

Những năm trước, nhiều hộ dân trong buôn Krang (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) vẫn còn duy trì tập quán cũ như chăn thả, nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, không thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật... Nhờ chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, nhiều hộ dân đã nhận thức và thay đổi thói quen, chủ động tham gia công tác bảo vệ môi trường.

15-2-.jpg

Công tác thu gom, xử lý rác thải luôn được địa phương quan tâm và chú trọng thực hiện

Cụ thể, cách đây 3 năm, gia đình anh YNam (buôn Krang) chăn nuôi gia súc ngay dưới sàn nhà. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, gia đình anh YNam đã xây dựng chuồng trại ra xa khu vực nhà ở để giữ gìn vệ sinh chung cho gia đình cũng như những hộ sống xung quanh.

Theo Lãnh đạo UBND xã Dur Kmăl, với nỗ lực tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức để giữ cho môi trường xanh - sạch - đẹp, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các buôn đã thực hiện ngày một tốt công tác xây dựng NTM, trong đó, công tác bảo vệ môi trường đã từng bước được nâng lên và có những kết quả đáng mừng. Địa phương còn kêu gọi, vận động người dân tham gia thu dọn rác thải, khơi thông cống rãnh, kênh mương; thu gom bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật về các điểm thu gom theo quy định; cải tạo, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, tạo cảnh quan khu dân cư; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh…

.... đến giữ môi trường sạch - đẹp

Lãnh đạo UBND huyện Krông Ana cho biết, ngay từ khi mới triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện đã nhận định tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó. Nguyên nhân do người dân nông thôn chưa có thói quen thu gom rác để xử lý; chất thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi đều xả trực tiếp ra môi trường, gây mất cảnh quan, ô nhiễm nguồn nước mặt, ao hồ. Trong khi đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn còn thấp, ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh chưa rõ ràng…

15-1-.jpg

Địa phương quyết tâm từng bước xử lý triệt để những tuyến đường nông thôn có rác thải

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Đắk Lắk, tiêu chí số 17 về môi trường được xem là “nút thắt” khó tháo gỡ nhất trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, cùng với công tác tuyên truyền, vận động kịp thời nên nhiều địa phương đã có những chuyển biến tích cực và đang dần hoàn thiện các nội dung trong tiêu chí này.

Để tháo gỡ khó khăn, huyện Krông Ana đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án về giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, các tổ chức, cơ sở kinh doanh chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; phát động phong trào sạch làng, sạch ngõ; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường…

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến nay, nhiều xã trên địa bàn huyện đã gần hoàn thiện chỉ tiêu về tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Cụ thể, tại xã Dur Kmăl, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 82%; tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 100%;; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo “3 sạch” đạt trên 70%%; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt trên 65%.

Phạm Hoài