Điện Biên: Nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Môi trường - Ngày đăng : 05:58, 13/10/2022

(TN&MT) - Hiện nay, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thu hút một lực lượng lớn quản lý, bảo vệ rừng trong nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Đây cũng là một nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân. Số tiền được nhận từ DVMTR, giúp người dân mua cây giống để trồng rừng, chi trả cho việc chăm sóc cây rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và mua sắm trang thiết bị, vật dụng để bảo vệ rừng.

Theo ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên: Thời gian qua, thu nhập ổn định từ DVMTR đã góp phần đưa công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương ngày càng được củng cố, nâng cao. Năm 2021, tỉnh Điện Biên thu được hơn 242,431 tỷ đồng và chi trả 233,581 tỷ đồng từ nguồn thu này, nơi có mức chi trả cao nhất là hơn 1,2 triệu đồng/ha/năm. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thật sự thu hút cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ và phát triển rừng, từ đó nâng cao thu nhập cho các hộ dân có rừng. Đến nay, nhiều hộ gia đình tại các huyện Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Lay... đã có cuộc sống thay đổi nhờ nguồn thu từ dịch vụ này, từ đó, đồng bào các dân tộc có nhận thức cao về diện tích rừng mình nhận khoán và tập trung đầu tư mua sắm phương tiện, vật dụng để bảo vệ rừng hiệu quả.

a1(1).jpg

Nhờ được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân đã tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Cùng với đó, các địa phương có rừng đã ngày càng nâng cao công tác phát triển rừng. Năm 2021, tỉnh đã giao cho các địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ với diện tích khoảng 150ha, trong đó huyện Điện Biên trồng mới được 20ha, Tuần Giáo 45ha, Mường Chà 35ha và Mường Ảng 50ha... Toàn tỉnh đã và đang triển khai các dự án trồng rừng, tập trung phát triển bền vững kinh tế dưới tán rừng thông qua các chương trình liên kết giữa hộ dân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã và giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với các hộ dân có rừng, từ đó, đẩy mạnh kinh tế lâm nghiệp thông qua việc trồng cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng.

Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân, các chủ rừng có thêm thu nhập mà còn mang lại nguồn kinh phí để các thôn, bản xây dựng các công trình phúc lợi, mua sắm trang thiết bị phục vụ đời sống cộng đồng. Khi chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, bà con, cộng đồng sẽ yên tâm gắn bó với rừng, tập trung quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao.

a2(1).jpg

Thu nhập ổn định từ DVMTR đã góp phần đưa công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được củng cố, nâng cao.

Đồng thời, hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đều xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí DVMTR của các cộng đồng. Thực tế cho thấy, số tiền DVMTR các cộng đồng được hưởng chủ yếu phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống người dân. Đầu tiên nguồn kinh phí này sẽ dùng để trả công cho các thành viên trong tổ quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng. Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, cộng đồng thôn, bản đã sử dụng một cách hợp lý nhằm xây dựng nhiều mô hình phát triển sinh kế, xây dựng các công trình phúc lợi và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các gia đình. Khi rừng phát triển đem lại nhiều lợi ích cho người dân, cộng đồng; từ đó từng bước góp phần vào việc thực hiện thành công chính sách xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Hoàng Châu