Thiết lập công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế để chấm dứt ô nhiễm nhựa

Biển đảo - Ngày đăng : 16:33, 12/10/2022

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á lần thứ 25 Phần 2 diễn ra từ ngày 10 – 14/10 tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chủ trì cuộc họp để tham vấn với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế có liên quan về thiết lập công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa nhằm chuẩn bị cho sự tham gia của Việt Nam tại Phiên họp đầu tiên của Ủy ban Đàm phán Liên chính phủ tại Uruguay sắp tới.

Ô nhiễm nhựa là một thách thức lớn với thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng. Theo thống kê, lượng rác thải nhựa quá cao gây ra gánh nặng với môi trường, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển và có hệ thống quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện như Việt Nam. Thống kê trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.

“Ngày nay, không có khu vực nào trên hành tinh không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nhựa, từ trầm tích biển sâu đến đỉnh núi Everest. Hành tinh xứng đáng có một giải pháp đa phương thực sự cho thảm họa ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Một thỏa thuận từ nguồn đến biển” - bà Amina Mohammed, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhận định.

Trước thực trạng đó, Bộ TN&MT và một số đơn vị đã tiên phong đề xuất sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa) nhằm mục tiêu đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn và quản lý vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, thông qua chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc.

Việc thành lập và phát triển nhóm Hợp tác công - tư tạo ra sức mạnh tổng hợp, thiết lập một mô hình hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay tại Việt Nam. Đây là một diễn đàn thiết thực giúp Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các sáng kiến, thảo luận mang tính thực tiễn cao, đồng thời nắm bắt được các vướng mắc, khó khăn mà khối tư nhân đang gặp phải để hỗ trợ và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật.

Ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, ngày 2/3/2022, tại Nairobi, Kenya, các Nguyên thủ Quốc gia, Bộ trưởng Môi trường và các đại diện khác của 175 quốc gia đã thông qua một Nghị quyết lịch sử tại Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA-5) về “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế” vào năm 2024 (Nghị quyết), trong đó, đề cập đến toàn bộ vòng đời của nhựa, bao gồm sản xuất, thiết kế và thải bỏ. Đây sẽ là một công cụ ràng buộc mang tính pháp lý, phản ánh các phương án đa dạng để giải quyết toàn bộ vòng đời đầy đủ của nhựa bao gồm sản xuất, thiết kế các sản phẩm, vật liệu có thể tái sử dụng, tái chế và thải bỏ cũng như nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để tạo điều kiện tiếp cận công nghệ.

anh-2.jpg

Ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu khai mạc cuộc họp

Về phía Việt Nam, để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nguồn lực cần thiết và thiết lập cơ chế điều phối các Bộ, ngành và địa phương liên quan trong quá trình Việt Nam đàm phán, tham gia thoả thuận; từ đó bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất của quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương, và đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng thỏa thuận, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương (Đề án) giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, triển khai thực hiện.

Tại cuộc họp, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế khẳng định, các sản phẩm nhựa và nhựa dùng một lần đang là một vấn nạn môi trường và nhiều quốc gia đang tìm mọi cách để loại bỏ, nếu hạn chế tốt rác thải nhựa phải kết nối ở cấp độ quốc gia, bởi ở cấp này mới xây dựng được nhiều cam kết giữa nhà sản xuất và dịch vụ tiêu dùng, đặc biệt là giải quyết các loại bao bì ni lông và các vỏ hộp, sản phẩm từ nhựa dùng một lần.

anh-1.jpg
Toàn cảnh cuộc họp 

Các đại biểu đã chia sẻ các phương pháp, cách tiếp cận từ nguồn tới biển trong quản lý rác thải nhựa. Các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài các nguồn lực về tài chính, con người, đầu tư công nghệ để cải thiện, phân loại và xử lý rác thải nhựa thì sự phối hợp giữa các bên liên quan, những nhóm chịu ảnh hưởng, được hưởng lợi bởi hệ thống quản lý chất thải là rất quan trọng.

Cuộc họp đã nhận được những ý kiến đóng góp tích cực, các tham luận chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm liên quan, thảo luận về nhiệm vụ đàm phán Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về chấm dứt ô nhiễm nhựa; các yếu tố chủ yếu quyết định sự thành công của ILBI và quá trình chuẩn bị đàm phán của Chính phủ và doanh nghiệp.

Đồng thời, cập nhật, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở đó, thảo luận và tham vấn ý tưởng, nội dung góp ý của các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp chuẩn bị cho sự tham gia của Việt Nam vào quá trình đàm phán thực hiện Nghị quyết 5/14 của UNEA và Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Việt Anh