Thừa Thiên – Huế: Tập huấn, truyền thông về “NetZero” và tiết kiệm năng lượng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:25, 12/10/2022
“NetZero” được hiểu là không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển hay giảm lượng phát thải carbon xuống bằng “0” từ hoạt động sản xuất, thiết kế hay thi công.
Ngày nay, dù đã có rất nhiều tiến bộ công nghệ được áp dụng thông qua việc ứng dụng vật liệu tái chế và các vật liệu xanh vào quy trình xây dựng, tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để có thể giảm lượng khí thải carbon xuống mức tối thiểu hoặc gần như bằng “0”. Vì thế đòi hỏi mỗi quốc gia cần có những tiêu chuẩn cụ thể để hạn chế lượng khí thải carbon do ngành công nghiệp xây dựng tạo ra, từ đó bảo đảm một môi trường “xanh” và bền vững cho người dân. Tiêu chuẩn “NetZero” được coi là một trong những giải pháp hiệu quả nhất cho vấn đề này.
Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đặt mục tiêu Việt Nam đạt phát thải ròng bằng “0” (Netzero) vào năm 2050. Tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của FNF tại Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hành tinh xanh, trong đó có Việt Nam. Có một thực tế là quốc gia nào càng giàu thì quốc gia đó càng cống hiến nhiều hơn cho việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không chỉ đáng được hoan nghênh mà còn phải được khuyến khích hết sức có thể. Tăng trưởng kinh tế ở một mức độ nhất định nào đó sẽ dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức về môi trường. Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ những bước tiến vượt bậc của Việt Nam. Tôi tin rằng một Việt Nam có thể mạnh mẽ đối phó tốt với các vấn đề môi trường, có thể chung sống với biến đổi khí hậu...
“Những chủ đề của hội thảo hôm nay như tiết kiện năng lượng, hiệu quả năng lượng, xây dựng xanh... đều rất phù hợp cho sự phát triển của Huế. Tôi tin rằng hội thảo sẽ tạo động lực đáng kể để tiếp tục phát triển kinh tế xanh cho vùng đất Cố đô...”, GS.TS Andreas Stoffers chia sẻ.
Tại hội thảo, Thành đoàn Huế đã phát động phong trào tiết kiệm điện năng công sở ở TP. Huế.
Anh Hồ Quốc Huy, Bí thư Thành đoàn Huế cho biết, nhận thức được vai trò quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua các giải pháp xanh trong thành phố cũng như tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; với mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm và tuyên truyền tiết kiệm điện năng tại TP. Huế, thông qua hội thảo này, chúng tôi phát động phong trào tiết kiệm điện năng công sở. Chúng tôi hy vọng với sự năng động, nhiệt huyết và kỹ năng truyền thông sáng tạo, lực lượng Đoàn thanh niên sẽ chủ động, tích cực đa dạng hóa công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, góp phần giúp TP. Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung đạt được các mục tiêu sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; đồng thời góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Các đại biểu tham dự cũng đã trình bày các tham luận, thảo luận để phổ biến, tập huấn các kiến thức về Netzero, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng thông minh, biến đổi khí hậu, môi trường, tiết kiệm điện năng... Cụ thể như “Kỹ năng hoạt động truyền thông NetZero và tiết kiệm năng lượng” của ông Hoàng Đức Bảo - CEO Công ty VinaBook; “Phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu và NetZero” của ThS. Lê Thị Tịnh Chi - Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Huế; “Phổ biến kiến thức về sử dụng năng lượng thông minh” của TS. Trần Nguyễn Ngọc Cương, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội;...
Theo Ban tổ chức, hội thảo với mong muốn tăng cường hiệu quả triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050; nâng cao kỹ năng truyền thông về “NetZero” và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính thông qua các giải pháp xanh cũng như tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đưa ra các giải pháp cụ thể, các giải pháp cho lợi ích chung và các kế hoạch thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai...