Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2022
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 16:18, 12/10/2022
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định: “Trong 9 tháng năm 2022, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid -19 vẫn tiếp tục tiếp diễn trên toàn cầu, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển
Nhìn chung kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… là những yếu tố tích cực tác động đến chỉ số sản xuất công nghiệp và thương mại trong nước tăng cao.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo về tình hình chung tháng 9, các nhà báo, phóng viên đã có các câu hỏi tập trung vào những lĩnh vực thuộc Bộ Công Thương quản lí, đặc biệt tập trung vào một số vấn đề đang được dư luận quan tâm như công tác quản lí xăng dầu, chi phí đầu vào vận chuyển xăng dầu, vấn đề về số lượng thương nhân đầu mối,..
Đối với mặt hàng xăng dầu, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương cho biết sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.