TP.HCM: Đảm bảo mọi người dân đều được sử dụng nước sạch

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 16:55, 11/10/2022

(TN&MT) -Nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống, đảm bảo mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch, TP.HCM đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ những gia đình khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch.
a1-ong-tran-thai-nguyen.jpg
Ông Trần Thái Nguyên – Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ -Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAWACO)

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Trần Thái Nguyên – Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ -Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAWACO) – đơn vị chủ lực cấp nước của TP.HCM về vấn đề này.

Xin ông cho biết các giải pháp mà Sawaco đang và sẽ triển khai để đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân TP.HCM?

Ông Trần Thái Nguyên: Sawaco luôn ý thức được nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch an toàn liên tục cho người dân Thành phố. Theo đó, Sawaco từng bước triển khai các dự án phát triển các nhà máy nước theo từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch cấp nước đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt cũng như phù hợp chung với sự phát triển của thành phố và luôn chú trọng việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường đồng thời cũng đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước rộng khắp trên địa bàn thành phố.

Mặt khác, Sawaco liên tục và định kỳ giám sát hệ thống cấp nước, nỗ lực đảm bảo chất lượng nước, áp lực và lưu lượng nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân, trong đó thường xuyên phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) kiểm tra mẫu nước ngay tại nhà máy sản xuất, hộ nhà dân và trên hệ thống mạng lưới cấp nước, đồng thời lắp thêm các trạm quan trắc online về chất lượng nước. Sawaco luôn xác định mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp nước sạch, đảm bảo chất lượng nước sạch ổn định, thỏa mãn Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam số QCVN-01:2018/BYT và duy trì áp lực cung cấp nước ổn định trên mạng lưới cấp nước.

Về lâu dài, Sawaco xác định phải thúc đẩy các nhiệm vụ phối hợp mạnh mẽ cùng với vai trò chủ trì của các Sở, ban, ngành liên quan đến việc đảm bảo an ninh nguồn nước, chú trọng tăng cường năng lực xử lý nước của các công trình khai thác xử lý nước sạch, tăng cường năng lực truyền tải trên mạng lưới cấp nước cũng như khả năng dự phòng nguồn nước sạch từ nguồn đến mạng. Bên cạnh đó, Sawaco cũng tiếp tục chủ động và phối hợp với các đối tác triển khai nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, công nghệ mới có tính ưu việt vào thực tiễn, góp phần đảm bảo an toàn sản xuất, nâng cao chất lượng nước sạch, giảm chi phí sản xuất.

a2-nha-may-nuoc-thu-duc.jpg
TP.HCM đảm bảo chất lượng nguồn nước sạch  phục vụ người dân

Để giúp người dân, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo, cận nghèo trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, Sawaco đã có những chính sách cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thái Nguyên:Trong thời gian qua, Sawaco đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận nước sạch. Theo đó, Sawaco đã gắn đồng hồ nước miễn phí cho người dân, tổng kinh phí từ năm 2020 đến tháng 8/2021 là hơn 300 tỷ đồng.

Đặc biệt, Sawaco đã thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng nước cho người dân nghèo, cận nghèo để giúp người dân được sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo sức khỏe. Cụ thể, năm 2020, Sawaco đã thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng nước sạch cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền là gần 3,6 tỷ đồng, tương ứng với 613.745 m3 nước sạch. Năm 2021, Sawaco đã thực hiện miễn, giảm với tổng số tiền là 156,55 tỷ đồng.

Trong giai đoạn dịch Covid bùng, Sawco đã miễn 100% tiền sử dụng nước các khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, góp phần cùng thành phố vượt qua đại dịch.

a3-ho-tro-nguoi-dan-su-dung-nuoc-sach.jpg
TP.HCM có nhiều chính sách về miễn, giảm cho các hộ nghèo, cận nghèo tiền sử dụng nước sạch

Xin ông cho biết việc thực hiện lộ trình giảm khai thác nước dưới đất theo chủ trương của TP.HCM đã được Sawaco triển khai như thế nào?

Ông Trần Thái Nguyên: Thực hiện Quyết định 1242/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của UBND TP.HCM về việc ban hành Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn, Sawaco đã xây dựng và triển khai kế hoạch về giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất do Sawaco quản lý.

Tính đến quý III/2022, Sawaco còn duy trì khai thác 22 trạm/ nhà máy nước với tổng công suất khai thác nước dưới đất là 54.949 m3/ngày của các đơn vị trực thuộc. Đối với các trạm cấp nước đang vận hành, Sawaco luôn tổ chức lấy mẫu nước kiểm nghiệm theo định kỳ nhằm giám sát chặt chẽ và đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn.

Trong năm 2022, để đảm bảo lộ trình giảm dần công suất khai thác theo đúng chỉ đạo của UBND TP.HCM và Sở TN&MT, đồng thời đảm bảo duy trì nguồn nước cung cấp cho người dân tại các khu vực chưa thể khai thác trực tiếp từ mạng lưới cấp nước tập trung, Sawaco dự kiến giảm tổng lượng khai thác nước dưới đất từ 66.000 m3/ngày về mức 62.300 m3/ngày.

Bên cạnh đó, ý thức về việc hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất, đồng thời hiểu được trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội, Sawaco đã tích cực tổ chức các sự kiện truyền thông, phối hợp với các quận, huyện tuyên truyền việc sử dụng nước sạch, hạn chế khai thác nước ngầm.

Tuy nhiên, trước các ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước mặt và tác động của biến đổi khí hậu (như khô hạn, xâm nhập mặn) thì nguồn nước dưới đất vẫn là nguồn nước có vai trò quan trọng. Việc duy trì khai thác nước dưới đất ở một mức công suất phù hợp (không quá thấp và không vượt quá khả năng tự phục hồi) để có thể duy trì cấp nước tối thiểu trong trường hợp nguồn nước mặt (sông, hồ) bị sự cố là yêu cầu cần thiết.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Quỳnh (thực hiện)