Bộ Công Thương họp "nóng" về tình hình xăng dầu
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 13:29, 11/10/2022
Ngày 10/10 Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc mời các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất xăng dầu dự cuộc họp bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Cuộc họp dự kiến diễn ra sáng ngày mai (12-10), với thành phần dự họp là đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội xăng dầu và các doanh nghiệp. Mục đích cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Được biết, từ hôm 7/10, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đưa ra đánh giá về tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu những ngày qua, trong đó cho biết nguyên nhân do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Cơ quan này đã có chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium (khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu) trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10, để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu.
Trong các ngày 8, 9 và 10/10 vừa qua, tình hình xăng dầu trên thị trường phía Nam xảy ra nhiều biến động, nhiều cửa hàng xăng dầu treo bảng không bán hàng. Ngoài ra, một số cửa hàng chỉ phục vụ một cột đổ xăng, khách hàng phải xếp hàng dài và chờ trong thời gian lâu mới đến lượt.
Việc khan hiếm xăng dầu trên thị trường đã gây nhiều sức ép trực tiếp đến các đơn vị sản xuất xăng dầu như BSR và phân phối xăng dầu PVOIL. Điều này buộc các đơn vị phải lên các phương án để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và bình ổn thị trường một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Trong các doanh nghiệp đầu mối, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong bối cảnh thiếu hụt xăng dầu tại một số tỉnh phía Nam, các đơn vị thuộc Petrovietnam và Petrolimex vẫn đang đảm bảo nguồn cung, sản xuất xăng dầu vượt công suất thiết kế (đối với BSR); phân phối các sản phẩm xăng, dầu (đối với PVOIL) nhằm bình ổn tình hình xăng dầu nội địa đầy biến động trong thời gian qua.
Hiện PVOIL đã chỉ đạo cho các đơn vị thành viên bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là Công ty Cổ phần Xăng dầu khí Sài Gòn (PVOIL Sài Gòn) và Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (TIMEXCO) tăng cường tối đa bán hàng thông qua 21 cây xăng để phục vụ nhu cầu gia tăng đột biến của lượng khách hàng trong thời điểm hiện tại.