Kon Tum Phát triển rừng bền vững nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Tài nguyên - Ngày đăng : 13:26, 11/10/2022

(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại tỉnh Kon Tum đã tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định, là động lực để người dân làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; góp phần quan trọng trong việc bảo vệ diện tích rừng hiện có và phát triển bền vững tài nguyên rừng thời gian tới.

Theo ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, hiện nay, tỉnh Kon Tum có 378.373ha rừng cung ứng DVMTR, chiếm 66,8% diện tích rừng toàn tỉnh (không tính cây cao su, cây đặc sản). Mục tiêu đến năm 2025, Kon Tum sẽ bảo vệ tốt diện tích rừng cung ứng DVMTR hiện có, nâng diện tích rừng cung ứng DVMTR lên khoảng 70% tổng diện tích rừng toàn tỉnh (không tính cây cao su, đặc sản) bằng nguồn tiền DVMTR.

tuyen-truyen-chinh-sach-min.jpg
Tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR cho người dân được Nhà nước giao đất, giao rừng.

Tham gia quản lý, bảo vệ rừng từ khi chính sách chi trả DVMTR triển khai thực hiện, ông A HLơn (làng Lút, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) cho biết: “Gia đình tôi được Nhà nước giao quản lý 13,7ha rừng tự nhiên. Trước kia, mỗi năm gia đình tôi nhận được hơn 6 triệu đồng tiền chi trả DVMTR. Đến năm 2021, qua kiểm tra, xác định rừng, diện tích rừng do gia đình tôi quản lý đã tăng lên 15,81ha, tiền DVMTR nhận được là hơn 10 triệu đồng”.
Từ tiền DVMTR nhận được, ông HLơn đã đầu tư trồng mì, mua phân bón cho vườn cao su, hiện nay kinh tế gia đình ông đã khá hơn trước rất nhiều nhờ thu nhập từ mì và cao su cho năng suất cao. “Có thu nhập ổn định, tôi yên tâm tham gia làm nghề rừng. Hàng tháng, tôi cùng Kiểm lâm địa bàn và một số hộ cùng được giao quản lý, bảo vệ rừng tổ chức đi tuần tra, kiểm tra rừng. Tôi mong rừng được bảo vệ tốt và ngày càng tăng lên về diện tích”, ông A HLơn nói.
Hộ gia đình ông A Sáp (làng Lút, xã Ya Tăng) cũng được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 14ha rừng tự nhiên năm 2011. Nhờ quản lý, bảo vệ tốt, năm 2021, diện tích rừng đã tăng lên thành 20ha. Ông A Sáp phấn khởi: “Diện tích rừng tăng lên, năm ngoái tôi nhận được hơn 13 triệu tiền DVMTR. Gia đình tôi rất mừng và sẽ bảo vệ rừng thật tốt”.
Chính sách chi trả DVMTR đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân tham gia bảo vệ rừng thông qua hình thức giao đất, giao rừng của Nhà nước và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ rừng là tổ chức, các UBND xã, thị trấn.
Tiền DVMTR hằng năm giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng; góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư.
Để nâng cao hiệu quả giữ rừng và phát triển rừng bền vững, ngoài giao đất, giao rừng cho các chủ rừng như các năm trước, năm 2022, tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện giao rừng do UBND xã quản lý cho cộng đồng dân cư tại địa phương. Hoạt động này nhằm huy động tính cộng đồng ở thôn, làng, phát huy tinh thần đoàn kết tham gia bảo vệ rừng của cộng đồng.
Thêm vào đó, công tác tuyên truyền về chính sách chi trả DVMRT sẽ nhấn mạnh về vai trò của rừng trong việc giữ nước, chống xói mòn đất, điều hòa không khí, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Như chị Y Hoan (làng Điệp Lôk, xã Ya Tăng) nói: “Bảo vệ rừng chính là bảo vệ môi trường sống, rừng được bảo vệ tốt đã giúp bà con tránh được những tác động xấu do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra”.
Ông Hồ Thanh Hoàng nhận định: “Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai, số vụ vi phạm về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã giảm theo từng năm, ổn định diện tích rừng cũ và đã phát triển thêm diện tích rừng mới. Chính sách này đã tạo ra một cơ chế tài chính mới, bền vững, giúp giảm gánh nặng về ngân sách trong việc đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng”.

Quế Mai