Chuyên gia, nhà khoa học lên tiếng bảo vệ chim hoang dã, di cư

Môi trường - Ngày đăng : 06:32, 11/10/2022

(TN&MT) - Tại Chương trình chào mừng Ngày quốc tế Chim di cư do Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phối hợp với Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam tổ chức tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy tuyên truyền về Chỉ thị 04/CT-TTg và trao đổi về công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, phóng viên Báo TN&MT đã lược ghi một số ý kiến tâm huyết, những chia sẻ kinh nghiệm… để bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác bảo tồn các loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa này.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học:

BƯỚC NGOẶT TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN CHIM HOANG DÃ, DI CƯ TẠI VIỆT NAM.

Lần đầu tiên, nước ta có một Chỉ thị riêng (Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022) được ban hành để bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, điều này thể hiện sự quan tâm lớn của Chính phủ về vấn đề này. Chỉ thị nêu rõ yêu cầu cụ thể đối với các bộ, ngành và cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp bảo tồn chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam. Chỉ thị thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong việc bảo vệ, ngăn chặn những hành vi săn bắt trái phép các loài chim trong mùa di cư, cũng như tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật xử lý các vi phạm liên quan đến chim hoang dã, di cư.

ba-hoang-thi-thanh-nhan.jpg

Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

Bên cạnh đó, Chỉ thị góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về bảo tồn chim di cư. Cụ thể, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường rà soát các quy định liên quan để phù hợp với tình hình thực tế, giảm sự chồng chéo giữa các văn bản; Thúc đẩy công tác tuần tra, giám sát, kiểm soát tình trạng săn bắt, buôn bán chim di cư, hoang dã trái phép;…

Chúng tôi rất vui mừng khi thấy rằng, Chỉ thị nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nhân dân. Tại nhiều địa phương, nhiều chiến dịch triệt phá các tụ điểm buôn bán chim hoang dã được triển khai. Việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị được tiến hành rộng rãi trong quần chúng tạo nên những ảnh hưởng tích cực cho công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư. Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học với vai trò cơ quan tham mưu cho Bộ TN&MT thúc đẩy việc triển khai Chỉ thị; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và hướng dẫn bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để bảo vệ các tuyến đường bay di cư của các loài chim hoang dã. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát các quy định về bảo vệ chim hoang dã, di cư, đặc biệt là các danh mục loài được ưu tiên bảo vệ do đang có sự mâu thuẫn về cơ chế quản lý. Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng khu vực đã nỗ lực tuần tra, tịch thu và tiêu hủy các loại bẫy nhằm ngăn chặn các hoạt động săn bắt, nhưng tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để, Chỉ thị 04 sẽ là cơ sở tạo điều kiện cho việc xử lý triệt để các sai phạm này, là bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam:

KHÔNG THỂ THIẾU SỰ THAM GIA CỦA CẢ CỘNG ĐỒNG

Ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu, có nhiều nguyên nhân do các hoạt động thường ngày của con người gây ra dẫn đến sự suy giảm đa dạng của các loài chim hoang dã, di cư. Quá trình phát trình phát triển gắn liền với “bê tông hóa” đã làm mất sinh cảnh sống của các loài chim này. Các dự án lấn biển, các công trình xây dựng… đã san lấp khu vực sống tự nhiên, làm mất đi nguồn thức ăn của chúng. So với 20 năm trước, số lượng và chất lượng các loài chim đều đã bị suy giảm.

ong-le-manh-hung.jpg

Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam

Bên cạnh đó, tình trạng săn bắt, buôn bán tràn lan cũng là một lý do khiến cho số lượng các loài chim hoang dã, di cư bị suy giảm. Các đối tượng săn bắn, bẫy bắt đang tận diệt các loài chim này, các cá thể chim sau đó được đưa tới hệ thống các nhà hàng, chợ để buôn bán, hoặc sử dụng cho các hoạt động phóng sinh… Một yếu tố khác, đó là sự nhiễu loạn. Hiện nay, sự nhiễu loạn có mặt ở khắp mọi nơi, gây ảnh hưởng tới môi trường sống cũng như thói quen, tập tính sinh sống của các loài chim. Sự nhiễu loạn này do âm thanh phát ra từ các hoạt động thường ngày của con người. Ví dụ như tiếng máy nổ, máy công nghiệp, tiếng loa đài… So với thời gian trước, con đường di cư của nhiều loài chim đã thay đổi, như loài sếu đầu đỏ, 20 năm về trước, loài sếu này thường di cư về Việt Nam tránh rét, gần đây, chúng không về nữa. Ô nhiễm môi trường dẫn đến ô nhiễm nguồn thức ăn, khiến cho các loài chim hoang dã, di cư không còn nơi “đất lành” để “đậu”. Việc này dẫn đến thay đổi quãng đường bay và khu vực cư trú tạm thời của chúng. Nhiều khu vực, cả một con sông gần như “chết” bởi ô nhiễm, không một sinh vật nào có thể tồn tại được. Ngày xưa, nếu cứ bước chân ra đồng là có thể thấy quạ, chim, cò… thì ngày nay, đến cua, ếch, nhái còn hiếm.

Tuy Chính phủ và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm cũng như có những hành động cụ thể, quyết liệt, nhưng nếu không có sự tham gia của cộng đồng, thì không thể thành công được. Chỉ thị 04 được ban hành sẽ giúp cho công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư đạt được những hiệu quả nhất định, bởi người dân có cơ sở, căn cứ để thực hiện và làm theo. Từ đó, người dân sẽ nâng cao vai trò trách nhiệm của bản thân, góp phần hạn chế những nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học các loài chim hoang dã, di cư.

Ông Phạm Vũ Ánh - Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Xuân Thủy:

BẢO VỆ NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHIM DI CƯ

Tỉnh Nam Định có tiềm năng rất lớn để phát triển mạnh mẽ và bền vững nhờ có khu rừng đặc dụng ven biển thuộc Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Nơi đây còn là địa điểm thuận lợi cho các loại động - thực vật hoang dã cư trú và chim quý hiếm di cư đến. Nhiều năm qua, nhờ sự trợ giúp của các cấp, các ngành và các tổ chức quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo địa phương hỗ trợ Vườn Quốc gia tổ chức các chương trình mục tiêu, các mô hình thí điểm để quản lý và bảo vệ bền vững tài nguyên thiên nhiên của khu vực. Thực tế, nhiều chính sách quản lý, bảo tồn đã được thực hiện khá thành công tại đây, góp phần vào kế hoạch quản lý, bảo tồn thiên nhiên chung của quốc gia và khu vực, đồng thời, đóng góp vào việc xây dựng cơ chế chính sách của địa phương từ những bài học kinh nghiệm trong hoạt động quản lý và truyền thông.

ong-pham-vu-anh.jpg

Ông Phạm Vũ Ánh - Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Ngoài việc thực hiện các chức năng của một Vườn Quốc gia điển hình với hệ sinh thái đất ngập nước, Vườn Quốc gia Xuân Thủy còn thực hiện tốt các cam kết quốc tế với vai trò là khu Ramsar đầu tiên của khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Rừng ngập mặn ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã và đang thực hiện rất tốt chức năng của một hệ sinh thái trù phú như cố định phù sa, cung cấp môi sinh, phòng chống bão lũ, đóng vai trò như một vườm ươm giống… Nhận thức rõ những lợi ích cũng như vai trò của rừng ngập mặn đối với hệ sinh thái các loài chim di cư, Ban Quản lý Vườn Quốc gia xác định, bảo vệ Vườn Quốc gia Xuân Thủy cũng chính là bảo vệ môi trường sống, nơi trú chân của các loài chim hoang dã, di cư, từ đó tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và địa phương trong công tác bảo vệ, triển khai nhiều hoạt động để sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng ngập mặn của khu vực. Kết quả, những năm gần đây, rừng ngập mặn tại khu vực được gìn giữ và tôn tạo khá tốt.

Chỉ thị 04 như cơ sở, tiền đề để các Vườn Quốc gia nói chung và Vườn Quốc gia Xuân Thủy nói riêng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư. Chỉ thị giao trách nhiệm rất cụ thể đối với từng cơ quan thực hiện các nhiệm vụ. Điều này giúp cho Vườn Quốc gia chủ động trong xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực triển khai các công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương.

Ông Đỗ Doãn Hoàng - Nhà báo, Ủy viên Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam:

MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ THỂ BẢO VỆ CHIM THEO CÁC CÁCH KHÁC NHAU

Bảo vệ các loài chim trời không phải là công việc của riêng các nhà khoa học, các nhà quản lý, mà còn là trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Trong đó, báo chí có vai trò phản ánh sự thật, phân tích, tìm lối ra cho vấn đề; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng một cách có trách nhiệm để xử lý triệt để các vụ việc; Các em học sinh cũng có trách nhiệm trong công cuộc bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư, thậm chí, các em có thể bảo vệ một cách quyết liệt và văn minh hơn...; Các nhiếp ảnh gia với những ống kính phóng đại có thể soi rõ từng vết thương, chụp lại chúng làm bằng chứng báo cáo cho các cơ quan chức năng, hoặc chụp lại vẻ đẹp của các loài chim, để mọi người cảm thấy yêu thương, trân trọng chúng và cảm thấy tiếc nuối khi chim trời bị sát hại… Mỗi người đều có thể tham gia vào công cuộc bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư với vai trò, cách thức khác nhau.

doan-hoang.jpg

Ông Đỗ Doãn Hoàng - Nhà báo, Ủy viên Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam

Đặc biệt, để việc bảo tồn này đạt hiệu quả cao, bà con địa phương là lực lượng quan trọng bậc nhất, họ là đông đảo “tai mắt” của cơ quan chức năng, giám sát mọi hành vi, ở mọi nơi. “Nước xa không cứu được lửa gần” - khi những hành vi săn bắt, buôn bán trái phép chim hoang dã, chim di cư diễn ra, bà con sẽ là những người phát hiện, can thiệp đầu tiên.

Với tư cách một người làm báo, tôi cảm thấy có trách nhiệm tham gia vào công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư. Nhà báo có thể “vào cuộc” bằng rất nhiều hình thức như tuyên truyền qua các tác phẩm, các bài báo,… thậm chí, có thể kiến nghị cơ quan chức năng để xử lý vấn đề, tạo sức ép - kể cả giám sát - để đẩy mạnh công tác xử lý. Nhà báo có thể trở thành nhà hoạt động xã hội tích cực, giúp lan tỏa hình ảnh đẹp, tiễu trừ các biểu hiện xấu.

Thực tế, dù các cơ quan chức năng đã có nhiều hành động rất quyết liệt, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị riêng “cận cảnh” vào vấn đề bảo vệ chim hoang dã, chim di cư (!), nhưng ngoài hiện trường, hàng trăm nghìn bẫy, lưới vẫn còn tồn tại khắp nơi, súng săn được bán tràn lan trên mạng và rất dễ dàng đặt “ship đến tận nhà”. Nếu chúng ta không hành động khẩn thiết, hiệu quả ngay lập tức, thì trong khi chúng ta đang ngồi bàn luận ở đây, chim trời vẫn tiếp tục bị tàn sát khắp nơi.

Ông Kiều Đức Chung - Nhiếp ảnh gia:

HÃY ĐỐI ĐÃI VỚI CHIM NHƯ NHỮNG VỊ KHÁCH

Vấn đề bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư không phải là vấn đề của riêng Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ hay tỉnh Nam Định, mà các tỉnh lân cận cũng cần có trách nhiệm trong việc này. Bên cạnh các chính sách, chương trình của các cơ quan chức năng, sự tham gia của đông đảo người dân địa phương là rất cần thiết. Có thể nói, người dân địa phương đóng vai trò to lớn, rất quan trọng, đặc biệt là người dân, các chủ đầm tại các vùng ven Vườn Quốc gia.

ong-kieu-duc-chung-2.jpg

Ông Kiều Đức Chung - Nhiếp ảnh gia

Các loài chim di cư này khi bay qua Việt Nam không chỉ chọn riêng khu vực Vườn Quốc gia làm nơi nghỉ chân, mà các đầm xung quanh thuộc địa phận tỉnh Thái Bình cũng là một địa điểm lý tưởng của chúng. Do đó, các cơ quan chức năng của hai tỉnh Nam Định và Thái Bình cần phối hợp chặt chẽ để khuyến khích bà con khu vực tạo điều kiện cho các loài chim di cư đến trú ẩn, không săn bắt chim, không xua đuổi chim khi chúng kiếm ăn tại bãi đầm của mình... Hỗ trợ, động viên các chủ đầm bảo vệ, xây dựng môi trường sinh sống, tạo nguồn thức ăn dồi dào cho các loài chim này, đối đãi với chúng như những vị khách, bởi chúng là những loài quý hiếm, chỉ ghé thăm Việt Nam 1 - 2 lần trong năm, sự xuất hiện của chúng là điều mà chúng ta cần phải trân trọng.

Tham gia vào công tác bảo tồn với niềm đam mê nhiếp ảnh và tình yêu thiên nhiên, tôi cùng các thành viên khác trong Chi hội luôn nỗ lực để tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, bởi những năm gần đây, theo quan sát cá nhân, các cá thể cò gần như hiếm khi xuất hiện. Để tạo môi trường an toàn cho các cá thể cò có thể di cư và trú ngụ tại đây, chúng tôi đã làm quen với các chủ đầm, trò chuyện với họ để họ hiểu được tầm quan trọng của việc ưu tiên môi trường sống của các loài sinh vật này; khuyến khích họ nhường lại không gian sinh sống cho các loài chim trong mùa di cư của chúng. Đồng thời, bằng những bức ảnh và những câu chuyện thực tế về các loài chim hoang dã, chúng tôi gợi lên cho họ cũng như mọi người tình yêu thiên nhiên, sự trân quý các loài động vật nói chung, các loài chim hoang dã, di cư nói riêng, từ đó, họ có ý thức hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ môi trường sống tự nhiên của các loài chim hoang dã, di cư.

Ông Lều Hồng Duân - Phó Hiệu trưởng trường THCS Giao Xuân (Giao Thủy - Nam Định):

GIÁO DỤC VỀ BẢO TỒN LÀ VIỆC LÀM CẦN THIẾT

Về phía ngành giáo dục, các chương trình tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là chim hoang dã, di cư được lồng ghép vào chương trình học của các em học sinh tại địa phương. Giáo dục về bảo tồn các loài động vật hoang dã cũng cần thiết như việc học văn hóa, bởi học sinh có vai trò rất quan trọng, các em là thế hệ trẻ, là những nhà quản lý tương lai của đất nước. Nếu các em nhận thức được mức độ cấp bách của vấn đề bảo tồn và cùng tham gia vào ngăn chặn, đẩy lùi hành vi săn bắt các loại chim hoang dã, di cư, công tác bảo tồn sẽ đạt được những kết quả tốt.

anh-leu-hong-duan.jpg

Ông Lều Hồng Duân - Phó Hiệu trưởng trường THCS Giao Xuân (Giao Thủy - Nam Định)

Xác định được tầm quan trọng của ngành giáo dục trong công cuộc bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư, nhà trường luôn cố gắng, nỗ lực lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp, đem lại hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của các em về vấn đề này. Từ đó, các em tuyên truyền cho gia đình, bạn bè và những người xung quanh cùng chung tay, góp sức ngăn chặn nạn săn bắt chim di cư. Dự định thời gian tới, trường sẽ đề xuất tích hợp các chương trình, hoạt động cụ thể về vấn đề này vào các môn học như Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương dưới sự định hướng của Sở Giáo dục.

Trường THCS Giao Xuân cũng như các em học sinh sẽ luôn đồng hành, hưởng ứng các phong trào, hoạt động để bảo vệ sự đa dạng sinh học của địa phương, đặc biệt là các loài chim hoang dã. Đồng thời, nhà trường cũng chung tay góp sức tuyên truyền, vận động người dân chống lại nạn săn bắt, tiêu thụ chim hoang dã, di cư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ hơn: Chủ tịch UBND huyện, chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, các trạm kiểm lâm, trạm bảo vệ rừng... tiếp tục tổ chức lực lượng, tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn… Đặc biệt cần lưu ý đến những hoạt động mang danh nghĩa “phóng sinh”, bởi nó đang là cái cớ để các hành vi săn bắt trái phép chim trở thành việc “tích đức” trong mắt bà con nông dân địa phương. Khi có cầu ắt sẽ có cung, chúng ta cần phải chấm dứt các hành động đó một cách mạnh mẽ hơn để bảo vệ các loài động vật hoang dã này.

Hoàng Hiền (lược ghi)