Quảng Nam: Mưa trắng trời, nhiều tuyến đường bị ngập, chia cắt

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:39, 10/10/2022

(TN&MT) - Do mưa lớn kéo dài từ đêm qua (9/10) đến sáng nay khiến mực nước trên các sông ở Quảng Nam đang lên nhanh, nhiều tuyến đường ở các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên bị ngập, chia cắt. Một số địa phương miền núi đã xảy ra tình trạng sạt lở.

Theo ghi nhận trong sáng nay, mưa lớn làm một số tuyến đường bị ngập gây tắc đường như: QL14B ngập sâu khoảng 50cm tại Km 32+550 (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc); Km 5+700 đoạn chợ Bà Lê (phường Cẩm Châu, TP Hội An); Km 25+300 đoạn qua xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên); Km 51+200 đoạn qua xã Quế Trung (huyện Nông Sơn)…..

Ngoài ra, nước sông dâng cao cũng khiến nhiều nơi ở tỉnh Quảng Nam bị ngập cục bộ. Mưa lớn cũng gây sạt lở, ách tắc giao thông đoạn Quốc lộ 14B qua thôn Hà Vy, xã Đại Hồng (Đại Lộc). Lực lượng cảnh sát giao thông Quảng Nam phải huy động lực lượng để phân luồng, đảm bảo an toàn trật tự, giao thông.

qnam.jpg
Hiện nay mực nước trên các sông đang lên, có khả năng xuất hiện một đợt lũ

Tại xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, 2 người dân khi cố vượt qua dòng sông Na (đoạn giáp ranh giữa 2 xã Trà Cang và Trà Nam) thì bị dòng nước lũ cuốn trôi mất tích. Ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang biết lực lượng chức năng và người dân địa phương vẫn đang nỗ lực tìm kiếm tung tích 2 người dân bị nước lũ cuốn trôi.

Trước tình hình mưa lũ có diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo các địa phương khẩn trương ứng phó với đợt mưa lũ lớn. Theo đó, hiện nay mực nước trên các sông đang lên, có khả năng xuất hiện một đợt lũ (với đỉnh lũ cụ thể trên sông Vu Gia ở mức trên báo động BĐ 2, trên sông Thu Bồn ở mức BĐ 1, trên sông Tam Kỳ ở mức BĐ 1).

qnam2.jpg
Nhiều tuyến đường ở trung tâm huyện Đại Lộc  đang bị ngập cục bộ gây khó khăn cho việc lưu thông

Để tập trung ứng phó mưa lũ và tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển,
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan rà soát tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của mưa lũ, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để kịp thời tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Đồng thời, rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi dễ sạt lở đất, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết di dời, sơ tán người dân, phương tiện, tài sản tại những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, lũ quét.

ngap1.jpg
Nước sông dâng cao cũng gây ngập cục bộ, cô lập một số địa phương

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành
phố ven biển tiếp tục thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, lồng bè, nuôi trồng thủy sản biết tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; Chủ động tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.

Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của mưa lũ tại các địa phương.

Lan Anh