Nghệ An: Xót xa cảnh tan hoang sau trận lũ quét ở Kỳ Sơn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:32, 10/10/2022

Trận lũ quét kinh hoàng đã gây ra nhiều đau thương, mất mát cho bàn con huyện biên giới Kỳ Sơn. Dù trận lũ xảy ra đã cách đây hơn 1 tuần nhưng khung cảnh tan hoang vẫn bao trùm các bản làng ở huyện biên giới này.

Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, chỉ trong vòng 1 tháng, huyện Kỳ Sơn đã xảy ra 2 đợt thiên tai do mưa lớn nên hậu quả vô cùng nặng nề.

1.jpg
Một góc xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) sau trận lũ quét.

Trong đó, đợt mưa lớn do hoàn lưu bão số 4, từ ngày 28/9 đến 2/10, đã gây sạt lở đất, đường giao thông; lũ ống, lũ quét cũng đã làm chết người, trôi, sập, hư hỏng nhà cửa, vùi lấp nhiều tài sản. Theo rà soát lại của huyện Kỳ Sơn, lũ ống, lũ quét đã làm thiệt hại 233 ngôi nhà, trong đó có 56 nhà dân bị trôi hoàn toàn; trên 140 nhà bị hư hỏng nặng; 36 nhà phải di dời khẩn cấp. Nhiều công trình, trụ sở cơ quan nhà nước bị hư hỏng, ngập lụt; chưa kể số lượng phương tiện ô tô, xe máy bị trôi hoặc vùi lấp trong lớp đất cát dày từ 1,3 – 1,5 m. Thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ đồng. Trước đó, đợt lũ tháng 9/2022 huyện này cũng bị thiệt hại khoảng hơn 80 tỷ đồng.

8.jpg
Trận lũ gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Hiện nay nước đã rút và xuống thấp, tuy nhiên nhiều khu vực vẫn bị chia cắt do sạt lở đường giao thông nên việc vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống đều bằng đường bộ, vô cùng khó khăn…

Tại bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ và một số khu vực đã xuất hiện những vết nứt lớn, dọc theo đường dân sinh hoặc sát đồi, núi. Còn tại bản Sơn Thành, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn có 118 hộ dân sinh sống, không phải là địa bàn bị lũ quét xảy ra ngày 02/10, nhưng có hơn 30 hộ cần phải di dời khẩn cấp trước nguy cơ tiếp tục sạt lở đất.

7.jpg
Nỗi lo sạt lở vẫn luôn thường trực với hàng trăm hộ dân.

Khi trực tiếp lên thị sát và chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt ở Kỳ Sơn, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu địa phương phải tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao tinh thần cảnh giác cũng như chủ động ứng phó của người dân. Địa phương phải tổ chức sắp xếp, điều phối để người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng thiên tai đều tiếp nhận nguồn lực cứu trợ của Nhà nước và các tổ chức tình nguyện đảm bảo công bằng, đúng đối tượng, hiệu quả.

5.jpg
Khu vực sát lở núi và những ngôi nhà chênh vênh bên dòng sông.

Hiện, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã đồng ý với chú trương lập dự án tái định cư cho khoảng gần 200 hộ dân để di dời ra khỏi vùng sạt lở, đến nơi an toàn. Trận lũ đã gây hậu quả đối với hạ tầng, công trình dân sinh là rất lớn. Trước mắt hiện nay là ưu tiên khôi phục lại hạ tầng giao thông để đảm bảo cho lưu thông, đi lại; đồng thời có phương án bố trí nơi ở cho các hộ gia đình bị trôi nhà cửa.

14.jpg
12.jpg
Người dân thất thần trong khung cảnh tan hoang sau lũ.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết thêm, hiện toàn huyện có hàng trăm ngôi nhà ở nhiều bản cần phải di dời ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở đất hay lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mặt bằng để tổ chức tái định cư ở các địa phương hầu như không có, cùng với đó là thiếu kinh phí để hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở mới. Rất mong sự tiếp tục quan tâm đặc biệt của Chính phủ và của tỉnh để hỗ trợ di dời cho bà con huyện khó 30a này.

17.jpg
Công tác hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con rất khẩn trưởng, chu đáo.

Dưới đây là một số hình ảnh ở Kỳ Sơn sau trận lũ quét kinh hoàng mà PV mới ghi nhận:

18.jpg
16.jpg
15.jpg
13.jpg
11.jpg
9.jpg
6.jpg
4.jpg
2.jpg
3.jpg

Đình Tiệp