Việt Nam chủ trì Hội nghị liên Chính phủ của Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á

Biển đảo - Ngày đăng : 19:55, 08/10/2022

(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phê duyệt cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á lần thứ 25 Phần 2 từ 10 – 14/10 tại Hà Nội.
02-1-.jpeg
Phần 1, Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến do đại dịch covid

Hội nghị liên Chính phủ của Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (COBSEA) (sau đây gọi tắt là IGM) được tổ chức luân phiên 02 năm một lần. Trước đó, từ ngày 02 - 05 tháng 11 năm 2009 Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị liên Chính phủ COBSEA lần thứ 20 tại thành phố Hạ Long. Hội nghị có sự tham dự của đại diện 7 nước thành viên của COBSEA.

Năm 2021, Việt Nam là quốc gia luân phiên tổ chức Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á lần thứ 25 (sau đây gọi tắt là IGM25). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hội nghị IGM25 được các quốc gia thành viên thống nhất tổ chức thành 2 phần. Phần 1, Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến. Phần 2, Hội nghị sẽ tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Việt Nam do Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì vào các ngày 10 – 14/10 tới đây.

Việc Việt Nam tổ chức Hội nghị này là sự kiện quan trọng, sẽ tạo được tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy can kết và triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, cụ thể như:

Bên cạnh đó, đây là sự kiện nhằm triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII về hội nhập quốc tế sâu rộng; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; Quyết định số 1746/QĐ-TTg 4/12/2019 về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; Quyết định 647/QĐ-TTg 18/5/2020 phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.  

bien-vn.jpg
Hội nghị lần này sẽ bàn giải pháp xử lý rác thải nhựa đại dương 

Đây cũng là sự kiện thể hiện vai trò chủ động và tích cực, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN và trên thế giới; thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc;

Qua đó, truyền đạt thông điệp đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững kinh tế biển, chống rác thải nhựa đại dương;

Góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương; tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: quản trị biển và đại dương, điều tra đánh giá rác thải nhựa đại dương, xử lý rác thải nhựa đại dương.

Hội nghị sẽ tiến hành thảo luận và thông qua Kế hoạch làm việc và ngân sách cho COBSEA trong hai năm 2023-2024. Thông qua Hội nghị, Việt Nam sẽ tiếp cận xây dựng một số dự án liên quan đến quản lý rác thải nhựa biển nhằm thực hiện, triển khai có hiệu quả Quyết định số 1746/QĐ-TTg 4/12/2019 về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Triển khai Kế hoạch hành động khu vực của COBSEA về rác thải
trên biển.

Trong chuỗi các sự kiện bên lề Hội nghị còn có Cuộc họp “Tham vấn các bên liên quan và doanh nghiệp đối với Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa” (Cuộc họp tham vấn) nhằm tham vấn với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhựa về Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển theo yêu cầu của Nghị quyết số 5/14 nhằm chuẩn bị cho sự tham gia của Việt Nam tại Phiên họp đầu tiên của Ủy ban đàm phán Liên chính phủ (INC-1) tại Uruguay sắp tới và tiếp tục triển khai các hoạt động thực hiện Quyết định 1407/QĐ-TTg phù hợp với nội dung Nghị quyết và tiến trình đàm phán của INC.

Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (COBSEA) được thành lập với tên gọi Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) về Khu vực Biển Đông Á vào năm 1981. Đến nay, COBSEA có 9 nước thành viên; Campuchia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. COBSEA được thành lập nhằm tăng cường hợp tác khu vực để quản lý các nguồn tài nguyên biển và ven biển trong khu vực Biển Đông Á. Việt Nam tham gia làm thành viên COBSEA và đạt được những kết quả tích cực từ việc tham gia các dự án do COBSEA điều phối

Nội dung trích dẫn...

Minh Thư