Ngày quốc tế Chim di cư: Tăng cường bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam

Môi trường - Ngày đăng : 19:53, 08/10/2022

(TN&MT) - Trong hai ngày (7 – 8/10), Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (BCA) phối hợp với Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam (VBCS) tổ chức Chương trình chào mừng Ngày quốc tế Chim di cư tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định).

Chương trình bao gồm Cuộc thi Chụp ảnh chào đón chim di cư 2022 và Tọa đàm Công tác bảo tồn chim hoang dã và chim di cư tại Việt Nam. Tham dự Tọa đàm có Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; TS. Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam; nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo điện tử Dân Việt; ông Hoàng Xuân Ánh – Đại diện Vườn Quốc gia Xuân Thủy;… các chuyên gia, nhà khoa học cùng người dân địa phương.

img_0401.jpg.jpg
Các khách mời tham dự Tọa đàm Công tác bảo tồn chim hoang dã và di cư

Nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế Chim di cư, Chương trình được tổ chức với mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn chim hoang dã, di cư, cũng như phổ biến Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam (Chỉ thị 04) nhằm kêu gọi sự hỗ trợ của địa phương trong công cuộc ngăn chặn nạn săn bắn chim hoang dã.

Tại buổi Tọa đàm, TS. Lê Mạnh Hùng nêu ra tình trạng báo động về việc suy giảm môi trường sống và số lượng cá thể của các loài chim di cư. Ông nhấn mạnh những tác động từ con người và quá trình phát triển – bê tông hóa đã khiến cho nhiều quần thể chim bị mất đi nơi sinh sống, nguồn thức ăn. Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, tình trạng buôn bán các loài chim quý hiếm cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến cho sự đa dạng sinh học của các loài chim hoang dã, di cư bị suy giảm.

img_0339.jpg.jpg
Tham gia còn có đại diện của các cơ quan quản lý, ngành Công an, Kiểm lâm địa phương và đông đảo người dân địa phương.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm được lắng nghe những chia sẻ, những câu chuyện liên quan đến chim hoang dã, chim di cư, cũng như những mong muốn đối với công tác bảo tồn các loài quý hiếm này từ phía các nhà quản lý, các cán bộ đại diện cho các lực lượng cảnh sát môi trường, kiểm lâm, người dân địa phương, các nhiếp ảnh gia, học sinh...

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Bà cho biết, để công tác bảo tồn thực sự có hiệu quả, ngoài những chính sách, quy định của pháp luật, Việt Nam cần có những hành động cụ thể; cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức trong và ngoài nước cũng như người dân trong công tác bảo tồn, duy trì đa dạng sinh học. Đặc biệt, công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư không chỉ nằm ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy, mà còn liên quan đến các vùng đệm, vùng lân cận, do đó, để thực hiện tốt công tác này, cần sự tham gia, phối hợp giữa các địa phương.

img_0358.jpg.jpg
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phát biểu tại Tọa đàm

Kết thúc Chương trình, Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam tổ chức trao giải Cuộc thi Chụp ảnh chào đón chim di cư 2022. Cuộc thi nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loài chim hoang dã, di cư; từ đó, tạo sức hấp dẫn, khơi dậy niềm đam mê, mong muốn khám phá thiên nhiên của du khách trong và ngoài nước đối với Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Hoàng Hiền