Kinh tế 9 tháng, khởi sắc hầu hết các lĩnh vực
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 21:45, 07/10/2022
Sản xuất kinh doanh phát triển mạnh mẽ
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dưới sự điều hành kinh tế linh hoạt của Chính phủ, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Trên cơ sở đó, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2022, tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều ngành đã mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Cụ thể, sản xuất công nghiệp quý III/2022, tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%.
Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2022, của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất đồ uống tăng 31,9%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 20,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 18,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 17,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 16,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 14,9%.
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong tháng 9, cả nước có 11.466 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,8% so với tháng trước; tăng 194,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, cả nước có 163,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 112,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022, cho thấy: Có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2022; 36,0% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III/2022, theo giá hiện hành ước đạt 833,8 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 544,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng vốn và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.227,1 nghìn tỷ đồng, bằng 57,6% và tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 358,3 nghìn tỷ đồng, bằng 16,8% và tăng 16,3%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2022 có 80 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 347,4 triệu USD, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 50,9 triệu USD, giảm 87,9%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 398,3 triệu USD, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 9/2022 ước đạt 94,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 đạt hơn 1,32 triệu tỷ đồng, bằng 94% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 9/2022 ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng năm 2022 ước đạt hơn 1,08 triệu tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,74 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13% . Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,57 tỷ USD, giảm 11,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,37 tỷ USD, giảm 15%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 tăng 10,3%, trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 7,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,4%.
Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,22 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 209,3 tỷ USD, tăng 17,6%, chiếm 74,1%.
Trong 9 tháng năm 2022 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%).
Ở chiều ngược lại, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 96,11 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 179,89 tỷ USD, tăng 12,7%.
Trong 9 tháng năm 2022 có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45,5%).
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD.
Trong 9 tháng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 10 triệu USD, (cùng kỳ nhập siêu 1,7 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 51,5 tỷ USD, tăng 21,3%; nhập siêu từ Hàn Quốc 29,6 tỷ USD, tăng 20,8%; nhập siêu từ ASEAN 9,3 tỷ USD, giảm 1,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 9 ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.