Hải Dương: Chủ động thích ứng, phòng chống thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:39, 07/10/2022

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 21 loại hình thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất… Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và coi công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị.

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hải Dương, giai đoạn từ năm 2010 đến nay, mặc dù thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh không quá lớn tuy nhiên vẫn gây ra các thiệt hại lớn về người, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi. Thiên tai đã làm 6 người chết, 11 người bị thương, ước thiệt hại hơn 1.612 tỷ đồng. Kể tử đầu năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ thiệt hại do thiên tai, làm 2 người chết do sét đánh, 1.000ha lúa bị chết rét, 40 ngôi nhà bị hư hại….

Để chủ động phòng tránh thiên tai, Hải Dương đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN từ tỉnh đến xã. Thành lập 235/235 đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã với tổng số thành viên gần 30.000 người. Trên 300 đội tuần tra canh gác đê với khoảng 2.000 - 4.000 người, trên 40 đội cắm cừ đào mỏ với khoảng 1.000 người. Đặc biệt có 20 đội giao thông hỏa tốc với khoảng 200 người và lực lượng xung kích ứng cứu cơ động hùng hậu với khoảng 25.000 người. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, xã đã tổ chức tập huấn, tập dượt cho các lực lượng để đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai tại chỗ.

Cùng với đó, các địa phương, đơn vị đã tích cực phổ biến, tuyên truyền các kiến thức cơ bản, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai tới cộng đồng để người dân biết, chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

quan-trac-2.jpg
Theo dõi tình hình ô nhiễm môi trường thông qua hệ thống quan trắc môi trường tự động từ cơ sở báo về.

Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tiếp tục được chú trọng. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã xây dựng, tổ chức thực hiện phương án đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo bão, mưa, lũ. Thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thời tiết thủy văn của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, các đài Khí tượng khu vực, tổng hợp phát hành các bản tin thông báo, dự báo, cảnh báo về mưa, lũ, ATNĐ - bão trên toàn tỉnh. Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chi tiết hóa bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai. Tăng cường dự báo, nhận định tình hình nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, rét đậm, rét hại, dông lốc, sét... thường xuyên cung cấp cho các cơ quan liên quan và địa phương để phục vụ chỉ đạo phòng, chống thiên tai.

Theo dự báo, thời gian tới, thiên tai diễn biến bất thường và có xu hướng cực đoan hơn, đặc biệt, BĐKH và nước biển dâng ngày càng thể hiện rõ nét thông qua các hiện tượng bão, áp thấp nhiệt đới không theo quy luật, hạn hán, xâm nhập mặn, suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi nhiệt độ, phát thải khí nhà kính… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội và người dân tỉnh Hải Dương.

Xác định, đánh giá rõ những nguy cơ, rủi ro thiên tai, tỉnh Hải Dương đã đề ra các giải pháp trọng tâm, trọng điểm để phòng chống thiên tai giai đoạn đến năm 2025. Trong đó, tập trung vào các giải pháp: Rà soát và kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, phân công rõ người, rõ việc nhằm huy động tối đa nguồn lực của các cơ quan, tổ chức tham gia công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Xây dựng các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình.

ban-do-123.jpg
Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai và thuỷ lợi - Thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Rà soát quy hoạch bố trí dân cư các vùng có nguy cơ thiên tai giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng và thực hiện các dự án tái định cư, ổn định đời sống và sản xuất nhân dân. Rà soát chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thiên tai thông qua hệ thống thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về phòng tránh thiên tai bằng các chương trình phát thanh trên Đài Phát thanh cấp xã; phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trong nhà trường; tuyên truyền với hình thức băng rôn, tờ rơi, panô, áp phích... Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho các huyện, xã, tập trung ưu tiên những khu vực có mức độ rủi ro cao; lồng ghép các chương trình hội nghị, hội thảo các cấp để tăng cường năng lực, nhận thức, nhằm tuyên truyền, truyền thông đến mọi người trong cộng đồng.

Lắp đặt hệ thống tự động quan trắc lượng mưa, mực nước tại các kênh trục, hồ chứa thủy lợi, các khu vực xung yếu trong tỉnh. Nhân rộng việc lắp đặt camera giám sát việc quản lý vận hành công trình thủy lợi, các trọng điểm công trình đê điều, phòng, chống thiên tai.

Lắp đặt thiết bị cảnh báo các khu vực bị ngập sâu, ngầm tràn, trũng thấp, sạt lở đất. Lắp đặt hệ thống cảnh báo trực tuyến ở các lưu vực sông có nguy cơ lũ nhằm kịp thời theo dõi lưu lượng dòng chảy để dự báo, cảnh báo khi có ảnh hưởng của bão, mưa, lũ. Tăng cường công tác trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ; chống xói lở đất, điều hòa lượng nước đến các hồ chứa trên địa bàn thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn…

Tỉnh Hải Dương hiện có 24 cụm chống lụt bão, 2 trạm khí tượng, 45 điểm đo mưa, 8 trạm thuỷ văn, 25 trạm đo mực nước tự động, 10 hệ thống camera giám sát công trình đê điều, 12 hệ thống camera giám sát cống, 1 khu neo đậu tàu thuyền phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn và trên 100 vị trí cảng, bến thuỷ nội địa của các tổ chức, cá nhân có thể neo đậu tàu thuyền khi có thiên tai xảy ra.

Phạm Duy