Thích ứng biến đổi khí hậu gắn với giảm nghèo bền vững - Xây dựng cộng đồng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:29, 06/10/2022
BĐKH đe dọa mục tiêu xóa đói giảm nghèo
Tại Việt Nam, có thể nhận định, BĐKH thể hiện rõ nét nhất qua sự gia tăng các hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai không còn theo quy luật, các hình thái khí hậu cực đoan. Theo Bộ TN&MT, BĐKH là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững. Sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến gia tăng rủi ro cho các vùng, các lĩnh vực và các đối tượng dễ bị tổn thương. Trong mỗi vùng, nhóm người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, những người có thu nhập phụ thuộc vào khí hậu, người già, phụ nữ, trẻ em, người bị bệnh tật được xác định là nhóm có mức tổn thương cao nhất do BĐKH.
Các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao trước BĐKH là nông nghiệp và an ninh lương thực, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, nơi cư trú và hạ tầng kỹ thuật. Trong tương lai, dưới tác động của BĐKH và nước biển dâng, nguy cơ bị ngập dẫn đến mất đất canh tác nông nghiệp, nước tưới cho nông nghiệp, nước phục vụ mục đích sinh hoạt và công nghiệp bị nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân
Xu hướng di cư do tác động của môi trường đã bắt đầu có những ảnh hưởng rõ rệt hơn. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính là người dân ở khu vực nông thôn không có việc làm không ổn định và thu nhập thấp. Ước tính trung bình mỗi năm, thiệt hại của hộ gia đình do ngập lụt ven biển có thể lên đến trên 62 triệu đồng, bao gồm chi phí thiệt hại và tái thiết, sửa chữa nhà cửa, thiệt hại về tài sản (vườn, gia cầm, ao cá…), phục hồi đất nông nghiệp và chi phí khắc phục sản xuất.
Nỗ lực phát triển sinh kế bền vững
Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, một trong những giải pháp được Trung ương cũng như địa phương tập trung đẩy mạnh thời gian qua là tăng cường năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động ứng phó với BĐKH. Trong đó, chú trọng phát huy kinh nghiệm ứng phó tại chỗ và vai trò của chính quyền các cấp, các tổ chức quần chúng ở cơ sở.
Trong các ngành kinh tế, nông nghiệp là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH. Theo các kịch bản tác động khác nhau của BĐKH, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp sẽ giảm từ 5 - 15% vào năm 2030 và từ 5,8 - 13,5% vào năm 2050. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu phần lớn tổn thất (52,39%), sau đó là Đồng bằng sông Hồng (31,4%), Duyên hải miền Trung (9,1%) và cuối cùng là Đông Nam Bộ (7,1%).
Đối với một số địa phương, thiệt hại từ ngành sản xuất lúa gạo có thể chiếm tới 70% tổng thiệt hại (Thái Bình, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ). Riêng tỉnh Kiên Giang chịu tác động lớn nhất với tổn thất và thiệt hại lên tới 75 tỷ USD.
Song song với ứng phó thiên tai khẩn cấp, các địa phương trong cả nước đã chú trọng phát triển và đa dạng hóa sinh kế thông qua các hoạt động như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thay đổi phạm vi và quy mô sản xuất, ứng dụng chuyển giao kỹ thuật công nghệ… nhằm thích ứng với BĐKH. Rõ nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng đã chuyển gần 200.000ha trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng ngô, các cây hoa màu và cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn. Các địa phương trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đã chủ động phối hợp với các chương trình, dự án thí điểm mô hình sinh kế cộng đồng theo hướng carbon thấp, tiêu biểu như: phục hồi, chăm sóc và bảo vệ rừng; nông nghiệp xanh ít phát thải; liên kết trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái; làng thông minh với khí hậu; làng sinh thái thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng; cộng đồng làng xã carbon thấp; sản xuất tích hợp theo hướng sinh thái khép kín cho các làng nghề…
Các kinh nghiệm, kiến thức của cộng đồng sinh sống tại các địa phương đã được chú trọng khai thác, vận dụng nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH, đặc biệt là tại cấp cộng đồng. Các kiến thức và kinh nghiệm có thể được thể hiện thông qua hiểu biết của người dân liên quan đến sự thay đổi về nhiệt độ, thời tiết, chọn giống cây, vật nuôi; điều chỉnh thời vụ cũng như kỹ thuật canh tác, nuôi trồng. Đây là cơ sở để xây dựng các sinh kế mới theo hướng carbon thấp phù hợp phù hợp với điều kiện thời tiết và kinh tế xã hội tại địa phương, có thể nhân rộng và triển khai lâu dài.
Một số mô hình sinh kế cộng đồng theo hướng carbon thấp tiêu biểu đã được thí điểm, khuyến khích nhân rộng như: Mô hình trồng, phục hồi, chăm sóc và bảo vệ rừng; mô hình sản xuất nông nghiệp xanh ít phát thải; mô hình tổng hợp, liên kết trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái; mô hình làng thông minh với khí hậu/làng nông thôn thuận thiên (Climate Smart Village-CSV); mô hình cộng đồng làng xã carbon thấp, chống chịu cao nhằm ứng phó với BĐKH tại khu vực nông thôn đồng bằng Bắc Bộ...
Theo Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai 3 nhóm nhiệm vụ để hướng tới mục tiêu giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH, thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Cụ thể, nhóm nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Nhóm thứ hai bao gồm các nhiệm vụ tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và đa dạng sinh học thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Nhóm nhiệm vụ thứ ba ưu tiên giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.
Quan điểm của Nhà nước hiện nay là nên xem xét lồng ghép thích ứng với BĐKH vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các nỗ lực thích ứng sẽ tập trung vào sự thay đổi các quá trình cũng như những yếu tố gây ra tính dễ bị tổn thương. Qua đó các vấn đề nghèo đói, giới, sinh kế và khả năng tiếp cận thông tin và cơ sở hạ tầng cũng sẽ được xem xét và giải quyết.