Thích ứng biến đổi khí hậu gắn với giảm nghèo bền vững - Nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:28, 06/10/2022

(TN&MT) - Lý Sơn là huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, có điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái biển lý tưởng và rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, BĐKH với thời tiết phức tạp, bất thường đang đặt ra cho Lý Sơn yêu cầu thích ứng để ổn định sản xuất, mang lại hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản.

Môi trường thay đổi bất thường

Nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý, Lý Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi biển. Những năm qua, người dân tại đây không ngừng mở rộng diện tích, số lượng lồng bè để nuôi các loại hải sản như tôm hùm, cá bớp, cá mú... Việc phát triển ồ ạt, tự phát khiến môi trường thay đổi, ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hiệu quả mang lại chưa được như kỳ vọng.

8b-2-.jpg

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, nghề nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn đang có những bước chuyển biến mới.

Một trong những biện pháp khắc phục được ngành thủy sản Lý Sơn hướng đến là các hộ nuôi trồng thủy sản phải thực hiện đăng ký và bảo đảm hoạt động trên biển theo quy hoạch, thực hiện nghiêm các giải pháp bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, bảo đảm phát triển bền vững và phù hợp với các quy định.

Anh Võ Văn Sĩ (thôn Tây An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, những năm trước, do ảnh hưởng của BĐKH, diễn biến thời tiết phức tạp và ô nhiễm, trong khi người dân lại thiếu chủ động trong ứng phó, xử lý môi trường dẫn đến thủy sản không kịp thích nghi, nên có thời điểm, cá bớp chết hàng loạt, nhiều gia đình trắng tay.

Trước thực trạng này, huyện Lý Sơn đã quy hoạch 3 khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển với diện tích 50ha mặt nước quanh đảo. Đây là địa điểm có môi trường đảm bảo cũng như thuận lợi trong việc di chuyển đến khu vực an toàn mỗi khi có thiên tai, bão gió. Do diện tích để neo trú lồng bè trên đảo hạn chế nên địa phương thường xuyên vận động, tuyên truyền người dân không tăng thêm số hộ gia đình nuôi, đồng thời, mở rộng diện tích nuôi vừa phải trong vùng quy hoạch. Chính quyền huyện Lý Sơn cũng khuyến cáo người dân lựa chọn thời điểm nuôi, thả giống phù hợp để tránh thiệt hại, đặc biệt vào cuối năm do đây là thời điểm Lý Sơn thường xuyên hứng chịu nhiều cơn bão.

Từng bước thích ứng

Anh Huỳnh Ngọc Thảo (thôn Đông An Hải, Lý Sơn) chia sẻ: Bắt đầu nuôi cá bớp từ năm 2017, nhưng đến năm 2022, anh mới “trúng đậm” vì vừa được mùa lại được giá. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm cùng với việc mưa bão thường xuyên, phải di chuyển lồng bè đến khu vực khác có môi trường không đảm bảo dẫn đến nhiều lồng cá bị chết, thua lỗ. Các năm sau đó, hoặc vừa đủ vốn hoặc lãi ít, nhưng năm nay, cá nuôi phát triển tốt và giá cao nên gia đình anh rất phấn khởi.

8b-3-.jpg

Những năm gần đây, sản lượng hải sản ở Lý Sơn không chỉ phục vụ trong tỉnh mà còn xuất bán thị trường trong nước. Trong 8 tháng năm 2022, huyện đảo Lý Sơn đã xuất bán hơn 500 tấn hải sản. Với giá tăng cao như hiện nay, sau khi trừ các chi phí, thu nhập của người dân ở huyện đảo đạt từ 400 triệu đến hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

“Bây giờ chính quyền đã quy hoạch một khu nuôi trồng riêng, đồng thời hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo hệ thống xử lý nước thải chung, thu gom rác quanh lồng bè để tránh ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái nên hiệu quả tăng rõ rệt. Nếu trung bình mỗi kg cá thương phẩm đầu tư hết 100.000 đồng thì mỗi con cá bán ra có trọng lượng 5 - 6kg cũng lãi từ 400.000 - 500.000 đồng”, anh Thảo cho hay.

Theo ông Đặng Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn: Hiện trên địa bàn Lý Sơn có hơn 50 hộ nuôi cá bớp với trung bình mỗi bè từ 20 - 30 ao lồng. Bên cạnh đó còn tôm hùm và nhiều loại cá thương phẩm như cá chim, cá bè, cá tầm ma…. Cá bớp được nuôi đại trà do phù hợp với điều kiện nuôi ở đảo.

Nhờ đầu ra ổn định nên người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản trên đảo cũng có thu nhập rất khá. Trung bình mỗi năm, một hộ dân có thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản ở địa phương vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chưa quy mô. Chiến lược của huyện thời gian tới về ngành thủy sản sẽ phát triển theo hướng bảo tồn.

“Chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức về giữ gìn môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại huyện đảo. Đồng thời tăng cường kiểm tra việc xả thải đối với các bè nuôi trồng thủy sản, nếu phát hiện sẽ xử lý theo quy định. Khi đó mới có thể hình thành được vùng nuôi trồng thủy sản bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người nuôi trồng thủy sản ở huyện đảo Lý Sơn” - ông Thành cho biết.

Lan Anh