Thừa Thiên - Huế: Phát triển, xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Kinh tế - Ngày đăng : 14:08, 05/10/2022

Thừa Thiên – Huế đã quy hoạch một trung tâm logistics hạng I, diện tích khoảng 20 ha tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Với nhiều tiềm năng, logistics được xem như là chìa khóa để ngành công nghiệp Thừa Thiên - Huế có sự bứt phá mạnh mẽ hơn trong tương lai gần.

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì tại khu vực Hành lang kinh tế đường 9 sẽ quy hoạch xây dựng 1 trung tâm logistics hạng II có quy mô tối thiểu 10 ha đến năm 2020 và trên 20 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và phía Bắc Đà Nẵng; kết nối với các cảng cạn, cảng biển (Hòn La, Chân Mây), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình).

“Hiện nay, Thừa Thiên – Huế đã đăng ký với Bộ Công Thương thực hiện quy hoạch 1 trung tâm logistics hạng I, diện tích khoảng 20 ha tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; đồng thời đã làm việc với Vụ thị trường trong nước – Bộ Công Thương để được hướng dẫn đề cương, nhiệm vụ lập đề án quy hoạch chi tiết”, ông Sơn thông tin.

z2426396728249_47be989e040c580ebd7503c34b581d21(1).jpg

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có nhiều lợi thế để Thừa Thiên – Huế phát triển logistics

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, Sở và Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tiếp tục công khai, đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm vào đăng ký triển khai dự án. Đồng thời, đã đưa các dự án đầu tư xây dựng khu hậu cảng thuộc cảng Chân Mây, dự án dịch vụ vận tải logistics,... trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh (diện tích 40,1 ha tại lô đất ký hiệu KT-1 và KT-2 với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng).

Logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ. Hay nói cách khác logistics là chuỗi cung ứng, từ vận chuyển, lưu trữ, phân phối, giao nhận...

Ông Lê Văn Tuệ - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá, phát triển logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin... Dịch vụ logistics lành mạnh, có tính cạnh tranh cao sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp, giảm chi phí vận chuyển, giảm các chi phí sản xuất, tiền đề để tăng cạnh tranh, thu hút đầu tư về lĩnh vực công nghiệp cho tỉnh.

Cảng biển là cung ứng quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng logistics phục vụ ngành công nghiệp, khi hầu hết nguyên vật liệu, sản phẩm đầu ra được vận chuyển bằng đường biển.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cảng biển Thừa Thiên - Huế được xác định là cảng biển tổng hợp quốc gia, cảng đầu mối khu vực (loại I); trong đó khu bến Chân Mây (nằm trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, Đông Bắc Thái Lan; có khả năng tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.

chanmay-4.jpg

Cảng nước sâu Chân Mây được xem là yếu tố cung ứng quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng logistics phục vụ ngành công nghiệp

Báo cáo của Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế cho thấy, tổng trọng lượng hàng hoá từ đầu năm 2022 luỹ kế đến ngày 15/9/2022 trên địa bàn toàn tỉnh là 2.106,9 nghìn tấn; trong đó xuất khẩu 1.847,7 nghìn tấn và nhập khẩu 259,2 nghìn tấn; tăng 16,38% so với cùng kỳ năm 2021 (1.810,3 nghìn tấn). Các mặt hàng nhập khẩu làm thủ tục chủ yếu là nguyên phụ liệu hàng gia công, sản xuất xuất khẩu lĩnh vực may mặc, sợi, đồ chơi trẻ em; nguyên liệu sản xuất men frit, bia, vỏ lon; nhựa đường. Các mặt hàng xuất khẩu làm thủ tục là các sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu, dăm gỗ. Riêng tại cảng Chân Mây, trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng hàng của Công ty CP Cảng Chân Mây đạt 2.438 nghìn tấn (chiếm 88,5% lượng hàng qua cảng Chân Mây), trong đó lượng hàng xuất nhập khẩu đạt 1.487 nghìn tấn.

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng thông tin, đến nay, tại khu bến Chân Mây đã đưa vào khai thác 3 cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 910 m.

Cụ thể, Bến số 1 - cảng Chân Mây của Công ty CP Cảng Chân Mây đã hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2003, có chiều dài 360 m, là cảng tổng hợp, tiếp nhận tàu hàng đến 50.000 DWT và tàu khách du lịch cỡ lớn hạng Quantum, dài 348m, dung tích toàn phần 158.000 GT và hạng Oasis, dài 360m, dung tích toàn phần 225.282 GT.

Bến số 2 - cảng Chân Mây của Công ty CP Cảng Chân Mây có diện tích sử dụng đất khoảng 10 ha, chiều dài cầu cảng là 280 m, là bến tổng hợp hàng rời, bao kiện, có khả năng tiếp nhận tàu hàng đến 70.000 DWT giảm tải; dự án đã cơ bản đầu tư hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào hoạt động vào tháng 7/2021. Hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã Công bố mở Cầu cảng số 2- Bến cảng Chân Mây tại Quyết định số 954/QĐ-CHHVN ngày 15/7/2021 và Quyết định số 847/QĐCHHVN ngày 23/6/2022, bổ sung tàu chở container tải trọng đến 35.000DWT (mớn nước <9,3m).

Bến số 3 – cảng Chân Mây của Công ty TNHH MTV Hào Hưng – Huế có diện tích sử dụng đất khoảng 10,2 ha, chiều dài cầu cảng 270 m, là bến tổng hợp hàng rời, bao kiện, có khả năng tiếp nhận tàu hàng đến 70.000DWT giảm tải; Cục Hàng hải công bố mở cảng biển tại Quyết định số 891/QĐ-CHHVN ngày 06/7/2021, tiếp nhận tàu chở 50.000DWT giảm tải (với mớn nước < 9,26m); dự án đã cơ bản đầu tư hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào hoạt động vào tháng 7/2021.

d07297ae396cc132987d.jpg

Cảng Chân Mây hiện nay có 3 bến, tiếp nhận nhiều tàu hàng lớn

Tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên cảng Chân Mây đón tàu container quốc tế cập cảng, chính thức triển khai hoạt động khai thác tàu container, mở ra bước mở đầu quan trọng trong việc khai thác chức năng làm hàng container tại khu bến Chân Mây.

Ban Quản lý Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng vừa có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm đề xuất đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến số 4, số 5 cảng Chân Mây... với quy mô xây 2 cầu cảng, kho, bãi, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống trang, thiết bị,… đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEU.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, phát triển logistics bài bản, đúng nghĩa sẽ trở thành một ngành dịch vụ, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu mang lại giá trị kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước rất cao. Thừa Thiên - Huế cũng được đánh giá là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics...

“Phải tăng tốc, tạo một hướng đi mới cho dịch vụ logistics, trước hết các ban ngành chức năng phải rà soát tổng thể những điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn, hạn chế, sớm tham mưu lãnh đạo tỉnh xây dựng phát triển dịch vụ này đồng bộ, hiện đại, nằm trong định hướng phát triển của cả khu vực miền Trung, đảm bảo hàng hóa thông thương, xuất nhập khẩu, kết nối thị trường quốc tế…”, ông Phương nhấn mạnh.

Vào ngày 7 – 8/10/2022, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu làm hàng container tại cảng Chân Mây, nhằm giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư và các dự án kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực khu công nghiệp, cảng biển, logistics...

Văn Dinh