“Không dừng lại quy mô cả nước, tôi muốn lan tỏa sứ mệnh Nghị Lực Sống ra quốc tế”
Văn hóa - Ngày đăng : 17:39, 04/10/2022
“Đừng chỉ cho cá, hãy cho cần câu”
Một ngày Hà Nội chớm thu, chị Vân mặc một chiếc áo hoa bắt mắt, ngồi lọt thỏm trên chiếc xe lăn. Suốt buổi trò chuyện, chị không nói nhiều về nỗi khổ - những chuyện “xưa như trái đất” kể hoài kể mãi. Thay vào đó, chị hiện diện với một phong thái rất… “Chủ tịch” với lối nói chuyện sâu sắc và thông minh.
Chị Nguyễn Thị Vân được biết đến là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị Lực Sống - Trung tâm hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho người khuyết tật thông qua đào tạo nghề công nghệ thông tin và kỹ năng sống. Bên cạnh đó, chị còn là đồng sáng lập và Chủ tịch Công ty Cổ phần dịch vụ Nghị Lực Sống (Imagtor), nơi kinh doanh dịch vụ chỉnh sửa ảnh, video cho các doanh nghiệp bất động sản và thương mại điện tử quốc tế.
“Suốt những năm qua, mọi thứ đều đang trưởng thành từng bước một. Vân của năm 2022 đã cứng cỏi hơn, Trung tâm Nghị Lực Sống cũng lớn mạnh hơn, tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng học tập. Giờ số lượng học viên một lớp đã gấp 3 lần ngày xưa, tính qua loa cũng phải hơn 1200 bạn từng được đào tạo từ cái nôi này rồi. Thành quả là 80% học viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương trung bình là 6.500.000 đồng, có em lương cả ngàn đô, nhìn các em tự lo được cho bản thân, giúp đỡ bố mẹ sắm sửa, đó là niềm hạnh phúc của chị” - chị Vân chia sẻ đầy tự hào.
Song chị vẫn đau đáu muốn làm gì đó khác hơn, quyết liệt hơn nữa: “Đích đến của chị trước hết là làm thế nào để người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận giáo dục công bằng, được sống có ích cho đời. Sau cùng là để thay đổi định kiến của xã hội rằng người khuyết tật yếu đuối chỉ sống được nhờ tiền từ thiện, thậm chí đến người khuyết tật cũng nghĩ vậy về chính mình”.
Chị hiểu để đi được đường dài, tư duy từ thiện tự phát là chưa đủ: “Để tạo ra giá trị bền vững, mình cần có sự chung tay từ nhiều phía, từ nhà nước, tổ chức xã hội cũng như doanh nghiệp. Ngoài ra, mình phải tập trung vào 2 điều kiện lớn là giáo dục và sinh kế, bởi chỉ khi có giáo dục con người mới có thể phát triển, đồng thời sinh kế sẽ tạo ra bệ phóng cho những phát triển đó. Với người khuyết tật đừng chỉ cho cá, hãy cho cần câu và dạy họ cách câu”.
Những hoài bão lớn lao của chị dường như đang được hiện thực hóa: “Không chỉ muốn mở rộng quy mô ra toàn quốc, mà chị còn muốn vươn ra quốc tế, chị muốn lan tỏa sứ mệnh của Nghị Lực Sống đến được nhiều người nhất. Hiện tại chị đã có nhiều cộng sự hơn, những “tấm lòng vàng” có tâm có tầm và có cả tiền nữa. Nhờ vậy mà sắp tới, Nghị Lực Sống sẽ trở thành doanh nghiệp xã hội điển hình trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực, hướng nghiệp và tạo việc làm cho người yếu thế một cách thiết thực”.
Bất tiện nhưng không bất hạnh
Mắc chứng teo cơ tủy sống ngay từ những tháng đầu đời, cuộc sống của chị gặp rất nhiều bất tiện. Chiếc xe lăn trở thành “đôi chân” của chị, đến cả giấc ngủ nếu không có người giúp trở mình, chị cũng chỉ có thể nằm yên một chỗ.
Chị Vân tâm sự: “Hồi nhỏ chị thấy mình bất hạnh vô cùng, chị luôn tự hỏi tại sao giữa biết bao nhiêu người, ông trời lại ban cho chị căn bệnh quái ác này? Lớn lên rồi chị mới hiểu, đời ai cũng có một sứ mệnh riêng, có giá trị riêng, kể cả những người khốn cùng nhất. Sứ mệnh của chị là được trải nghiệm cuộc sống của một phụ nữ khuyết tật, đã vậy thì… tận hưởng thôi, lo gì!”.
Kết thúc buổi trò chuyện, trời bắt đầu lất phất mưa. Chị rời đi bằng nụ cười thật tươi cùng lời hẹn về một sự kiện đặc biệt mà chị đã dốc sức chuẩn bị bấy lâu nay. Chị Vân là “thần tượng” của cộng đồng người khuyết tật, là “biểu tượng” của nghị lực sống, về sự công bằng, tình yêu và niềm tin trên đời.
Với những đóng góp to lớn và nghị lực phi thường, chị Nguyễn Thị Vân được bình chọn là một trong 100 người phụ nữ truyền cảm hứng và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019, giải thưởng "Her Abilities Award 2019" Global do Tổ chức Light For The World trao tặng, Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, giải thưởng Tầm Nhìn Phụ Nữ, giải thưởng Sao Đỏ cao quý…