Tìm ngọt cho mùa hạn mặn ở xứ Dừa

Xã hội - Ngày đăng : 14:32, 04/10/2022

(TN&MT) - Là địa phương ven biển tọa lạc trên 3 cù lao (cù lao An Hóa, cù lao Minh, cù lao Bảo) cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, thế nhưng, cứ đến mùa khô, người dân Bến Tre lại thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.

Những năm gần đây, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp hiện đại hóa đã khiến tình trạng thiếu nước trên địa bàn ngày càng trầm trọng hơn. Công cuộc tìm ngọt để giảm nghèo, trước, trong và sau mùa hạn mặn tại Bến Tre đang đặt ra nhiều thách thức.
Chúng tôi tìm về Bến Tre vào dịp chính quyền địa phương và người dân đang khẩn trương chuẩn bị bước vào mùa hạn mặn 2022 - 2023. Như vừa trút đi gánh nặng, anh Nguyễn Văn Hùng (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) chia sẻ: “Gia đình có 1,4ha đất chuyên trồng cây giống và hoa kiểng. Trước đây, khi nguồn nước các sông, rạch trên địa bàn tỉnh có độ mặn cao, không còn nguồn nước dự trữ tưới cây, tôi phải di chuyển cây giống đến địa điểm khác và mua nước ngọt để tưới, tốn kém rất nhiều chi phí. Vừa qua, gia đình đã dành 1.200m2 đất để đào ao trữ nước ngọt, giờ có thể yên tâm đôi chút để đón mùa khô năm nay rồi”.

a2.-vung-nuoc-ven-bien.jpg
Bến Tre quan tâm công tác quản lý, bảo vệ vùng nước ven biển.

Cùng hoàn cảnh với anh Hùng, anh Lê Văn Trí (xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri) cũng đang ngày đêm trăn trở bài toán tìm nước ngọt. Gia đình anh có hơn 1,5ha đất sản xuất lúa và hoa màu. Hằng năm, trước khi bước vào mùa khô, anh và người dân địa phương phải kết hợp cùng nhau tu sửa, ngăn kênh ao, tạo thành các hồ tạm tích trữ nước ngọt để sử dụng trong sản xuất, chăn nuôi. Một số hộ trong xã cũng trang bị lu hồ, mua bạt trữ nước, túi nước cỡ lớn để chứa nước sinh hoạt đề phòng khi hạn mặn diễn ra nghiêm trọng.
Trao đổi về tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra trên địa bàn huyện Ba Tri, ông Trần Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết, từ năm 2016 đến nay, cứ vào mùa khô, tỉnh Bến Tre nói chung và huyện Ba Tri nói riêng liên tục xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt. Mùa khô đầu năm 2020 là thời điểm Bến Tre chịu tác động nặng nề nhất do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế của địa phương. Trước tình hình trên, vấn đề cung cấp, đảm bảo nguồn nước sạch, hợp vệ sinh phục vụ đời sống, môi trường, sức khỏe cho người dân được lãnh đạo huyện đặt lên hàng đầu, nhất là đối với các xã khu vực ven biển luôn chịu cảnh nguồn nước mặn bao vây quanh năm. Mong muốn lớn nhất của huyện là tất cả người dân đều tiếp cận được nguồn nước sạch, đạt quy chuẩn.

a3.-nguon-nuoc-ngot.jpg
Nguồn nước ngọt đặc biệt quan trọng đối với sản xuất và đời sống của người dân Bến Tre.

Mong ước đó cũng là mong muốn của chính quyền tỉnh Bến Tre và tất cả người dân sinh sống trên địa bàn. Thế nhưng, thiên nhiên không chiều theo ý muốn của con người. Theo đánh giá của ngành TN&MT Bến Tre, hiện nay, mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước ở tỉnh đang bị hạ thấp, chất lượng nước dưới đất hiện đã có dấu hiệu ô nhiễm, suy thoái, không đảm bảo cho sinh hoạt khiến nguồn tài nguyên nước mặt trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống và sản xuất của người dân, là nguồn cung cấp cho các nhà máy nước phục vụ cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước mặt trên các kênh, sông, rạch cũng đang bị ô nhiễm theo chiều hướng gia tăng, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, mà còn tác động không nhỏ đến lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đô thị, du lịch… Tác động “kép" từ hạn mặn và dịch Covid-19 trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng lên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực đến nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh Bến Tre.
Bến Tre hiện có 157 xã, phường, thị trấn tại 9 huyện, thành phố với hơn 400 ngàn hộ dân. Qua tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có trên 17 ngàn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,26%; gần 16.000 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,24%. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo làm ăn sinh sống tập trung ở khu vực nông thôn, đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhiều người dân, nói như Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn: “Nương theo con nước”.
Trước tình hình đó, ngành TN&MT Bến Tre đã và đang tăng cường công tác theo dõi, quản lý chặt chẽ việc khai thác sử dụng tài nguyên nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, giám sát các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước; đồng thời, chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra và xử lý các vi phạm về hành lang bảo vệ nguồn nước.

a1.-tap-trung-dau-tu.jpg
Bến Tre đã và đang tăng cường công tác theo dõi, quản lý chặt chẽ việc khai thác sử dụng tài nguyên nước

Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, tỉnh luôn xác định tài nguyên nước là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, là chìa khóa cho xóa đói giảm nghèo, là yêu cầu đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, việc đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bến Tre. Theo đó, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước, Bến Tre đang triển khai, chuẩn bị đưa vào vận hành hệ thống thủy lợi mang tính thích ứng cao. Đồng thời, xây dựng danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng xả thải, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước, nhất là nước thải từ khu đô thị và khu công nghiệp; tăng cường quản lý tổng hợp môi trường các nguồn cấp nước ngọt quan trọng trên địa bàn tỉnh; duy trì, bảo vệ và phát triển các vùng đất ngập nước quan trọng của tỉnh.
Hiện, Bến Tre đang tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030; tập trung hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại hóa thủy lợi, hệ thống quan trắc môi trường, chất lượng nước và mạng lưới cấp nước trên địa bàn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh Bến Tre đạt 70%, trong đó, đô thị đạt 93%; hoàn thành công tác kiểm kê tài nguyên nước; thực hiện duy trì, bảo vệ các vùng đất ngập nước, môi trường tự nhiên nguồn nước. Đến năm 2030, hoàn thành việc cắm mốc hành lang các nguồn nước phải được bảo vệ; 100% các trạm cấp nước sinh hoạt hoàn thành kế hoạch an ninh nguồn nước và cấp nước an toàn; hệ thống thủy lợi hoàn toàn được khép kín, đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt…
Tỉnh cũng đang đẩy mạnh thu hút các hình thức đầu tư, cung cấp nước sạch; đồng thời, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước thô từ thượng nguồn sông Tiền, đa dạng hóa nguồn cung cấp nước, đảm bảo cung ứng đủ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp trong năm, đặc biệt trong mùa hạn, mặn.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, UBND tỉnh, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và các mạnh thường quân, sự cố gắng khắc phục hoàn cảnh của người dân, hy vọng trong tương lai không xa, những hồ chứa nước ngọt như Lạc Địa, (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri), những công trình thủy lợi tầm cỡ như hệ thống Nam - Bắc Bến Tre, những “Dự án Quản lý nước Bến Tre”, “Dự án Cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh” sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Người dân Bến Tre sẽ không còn cảnh trắng đêm tìm nước ngọt. Những mảnh đời, những vùng đất đói nghèo sẽ đổi thịt thay da. Một Bến Tre sẽ chuyển mình, giảm nghèo, đi lên bền vững, bắt đầu từ nỗ lực tìm ngọt cho mùa hạn mặn.

Bạch Thanh