Trẻ hút thuốc lá thụ động - lỗi của người lớn
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:14, 04/10/2022
Hệ lụy đến sức khỏe trẻ em
Theo các nghiên cứu, khói thuốc lá chứa hàng nghìn chất hóa học, trong đó, ít nhất là 69 chất được xếp vào loại gây ung thư. Trong thực tế, rất nhiều người có thói quen hút thuốc lá, nhưng chưa lường hết những tác hại đối với chính mình và những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai.
Hàng năm, ở Việt Nam có khoảng 40.000 trường hợp tử vong do thuốc lá và có tới 60% trẻ em dưới 5 tuổi chịu ảnh hưởng nặng nề do thường xuyên hít phải khói thuốc lá. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khói thuốc lá có khả năng hạn chế cung cấp ôxy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động, gây rối loạn nhịp thở và nhịp tim ở trẻ, do đó, làm tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ em lên nhiều lần. Nếu trẻ nhỏ có cha hoặc mẹ hút thuốc lá thì nguy cơ này tăng gấp 2 lần, trong khi nếu cả 2 cùng hút thì nguy cơ tăng lên đến 4 lần.
Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm, có tới 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra. Không chỉ làm suy yếu nghiêm trọng hệ hô hấp, khói thuốc lá còn làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể trẻ nhỏ, tạo điều kiện cho các loại virus gây viêm não tấn công.
Những đứa trẻ sống trong môi trường thường xuyên có khói thuốc lá, đặc biệt là những trẻ có cả bố và mẹ hút thuốc lá thì nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp cao hơn rất nhiều so với trẻ khác. Một trong những bệnh thường thấy ở trẻ khi phải sống trong môi trường có khói thuốc lá đó là bệnh hen suyễn. Hen suyễn có thể không gây ra triệu chứng thường xuyên nhưng khi bùng phát sẽ có các triệu chứng như trẻ bị thở khò khè, ho và có cảm giác căng tức ở ngực.
Đặc biệt, phổi là bộ phận bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trẻ nhỏ bị hít khói thuốc lá nhiều sẽ khiến phổi phát triển không bình thường. Đó là chưa kể đến các căn bệnh khác như nhiễm trùng tai, mất thính giác, ung thư phổi khi trưởng thành…Và, thêm một nguy cơ nữa là, khi đứa trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá thì khi lớn lên chúng rất dễ sẽ hút thuốc lá. Không chỉ đối với trẻ nhỏ, khói thuốc lá cũng sẽ tác động trực tiếp đến bà mẹ mang thai. Khi bà mẹ mang thai hít phải khói thuốc lá thì trẻ được sinh ra có nguy cơ nhẹ cân hơn trẻ bình thường. Bà mẹ mang thai hút thuốc lá có nguy cơ sảy thai cao hơn hoặc sinh non. Trẻ sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, chết vì hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh trong quá trình sau sinh (hội chứng em bé chết đột ngột trong khi ngủ mà không rõ lý do).
Từ bỏ thuốc lá để thế hệ tương lai khỏe mạnh hơn
Trước những nguy cơ và tác hại của thuốc lá, nhiều quốc gia, tổ chức đang nỗ lực vận động người dân từ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc rất lớn đến ý thức bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và ý chí quyết tâm từ bỏ của người nghiện thuốc lá.
Chính vì vậy, để Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thực sự đi vào thực tiễn, xây dựng môi trường sống không khói thuốc cần hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các Bộ, ngành và hơn hết là sự tự giác của mỗi đang hút thuốc lá.
Mọi ông bố bà mẹ đều phải nhận thức rõ vấn đề này để đảm bảo một môi trường sống an toàn cho con. Theo đó, phương pháp giải quyết tận gốc không phải là dùng máy lọc không khí, không phải là dành một phòng riêng cho hút thuốc… mà là từ bỏ hoàn toàn thuốc lá.
Nếu muốn bỏ hút thuốc, hãy ghi nhớ và đặt ra các mốc thời gian cần thực hiện như: Lên lịch ngày bắt đầu bỏ thuốc, nói với gia đình, bạn bè và những người xung quanh rằng bản thân dự định sẽ bỏ thuốc, dự đoán hoặc lên kế hoạch trước cho những thời điểm khó khăn mà sẽ phải đối mặt trong khi bỏ thuốc lá.
Loại bỏ thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác khỏi nhà, xe hơi và nơi làm việc. Tạm thời tránh xa những người hút thuốc lá, những khu vực có người hút thuốc. Nhờ bác sĩ kê toa thuốc giúp bỏ thuốc lá, một số loại thuốc, kẹo, ô mai, thảo dược... giúp làm giảm cảm giác thèm thuốc lá.
Bỏ hút thuốc lá là cách phòng tránh nguy cơ các bệnh về đường hô hấp cho bản thân cũng như bảo vệ sức khỏe cho chính con của mình. Bạn hãy bỏ thuốc ngay lúc này. Bỏ hút thuốc lá chưa bao giờ là muộn.
Thông thường, việc dùng thuốc hỗ trợ cai thuốc lá ngừng sau 2-3 tháng cai thuốc. Cụ thể, đối với nicotin thay thế và varenicline sẽ ngưng sau 3 tháng, bupropion ngưng sau 2-3 tháng. Ngoài ra, người nghiện có thể áp dụng một số biện pháp theo y học cổ truyền như phương pháp châm cứu hỗ trợ cho người cai nghiện thuốc lá, sử dụng thuốc Y học cổ truyền trong việc cai nghiện thuốc lá...