Về nơi cội nguồn cách mạng
Xã hội - Ngày đăng : 11:09, 04/10/2022
Tầm này, nếu không ảnh hưởng từ cơn bão số 4 thì Tân Trào đang vào mùa đẹp, khi cái nắng đã chuyển dần từ vàng đậm sang vàng non, và cái lạnh cũng chỉ se se, đủ cho một chút xuýt xoa, một cánh áo mỏng hững hờ. Nhưng, mưa dường như không ngớt trong buổi sáng đầu tiên dừng chân tại Khu Di tích. Mưa như thử thách bước chân Đoàn công tác về nguồn tham quan học tập của Chi hội Nhà báo Báo TN&MT. Mưa cũng là dịp để những người con Thủ đô Hà Nội hiểu hơn về nỗi vất vả trong công tác bảo tồn di tích, bảo vệ thiên nhiên, môi trường của những người con Thủ đô gió ngàn một thời kháng chiến.
1. Hình thành từ những ngày đầu cách mạng Việt Nam còn trong bí mật, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã chứng kiến sự chuyển mình lớn mạnh của cách mạng Việt Nam, từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, với 177 di tích phân bố trên địa bàn 11 xã thuộc 2 huyện Sơn Dương và Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang.
Điểm đến đầu tiên là Lán Nà Nưa thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Nơi đây, Bác Hồ đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền trong cả nước. Nà Nưa là một căn lán nhỏ nằm ở sườn núi Nà Nưa, được dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày. Lán chia ra làm 2 gian nhỏ, gian phía bên trong Bác dùng làm nơi nghỉ ngơi, gian phía bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Thời gian ở và làm việc tại đây, đồ dùng sinh hoạt của Bác không có gì nhiều ngoài một chiếc bàn nứa, một chiếc máy đánh chữ... những văn bản, chỉ thị, chủ trương, đường lối kế hoạch để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đều được Bác khởi thảo chính từ căn lán Nà Nưa đơn sơ và giản dị này.
Tân Lập trước đây còn gọi là Kim Long (rồng vàng) thuộc tổng Tú Trạc, châu Sơn Dương, khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, Kim Long đổi tên thành làng Tân Lập (nền độc lập mới). Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, làng Tân Lập chỉ có 23 ngôi nhà chủ yếu là dân tộc Tày, nhà nào cũng được sử dụng phục vụ cho cách mạng. Sau này, tất cả các ngôi nhà trong làng đều có các vị đại biểu về dự Quốc dân Đại hội ở.
Tân Lập gắn với nhiều sự kiện trọng đại tiền khởi nghĩa. Nơi đây đã diễn ra Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng. Cũng tại đây, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, cử hành lễ xuất quân tại gốc đa Tân Trào. Từ gốc đa lịch sử, đơn vị chủ lực của quân giải phóng - hạt nhân của đơn vị là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Bác Hồ chỉ thị thành lập ngày 22/12/1944 đã lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam...
Năm 1969, sau khi Bác qua đời, Bộ Chính trị chủ trương cho xây dựng Nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên, Pác Pó và Tân Trào, ba địa danh tiêu biểu gắn với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Sau hơn một năm thi công cùng với những hạng mục công trình, nhà lưu niệm Tân Trào chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan vào ngày 2/9/1971. Đến tháng 9/1971, Ủy ban hành chính tỉnh Tuyên Quang quyết định thành lập Nhà Bảo tàng Tân Trào, có nhiệm vụ quản lý nhà lưu niệm và ba di tích nguyên gốc: Cây đa Tân Trào, Đình Tân Trào và Đình Hồng Thái…
Câu chuyện bảo tồn di tích, bảo vệ môi trường ở đây còn là câu chuyện của lòng dân. Từ năm 2015, Ban Quản lý Khu Du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào đã xây dựng và ký Quy chế phối hợp bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn với 5 xã và 10 trường học. Mỗi năm, các đơn vị phối hợp đã thực hiện trên 883 lượt, 43.725 buổi tuyên truyền ý nghĩa lịch sử của di tích; 79 lượt và 76 buổi phối hợp tuần tra bảo vệ di tích; trên 125 đợt ra quân, gần 3.000 lượt với hàng nghìn người dân, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia dọn dẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường...
2. Phải đi trong những ngày mưa tuôn như thế này, mới thấm thía những vất vả mà cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Khu Di tích đang trải nghiệm. Ông Viên Ngọc Tân - Phó Giám đốc Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào chia sẻ: Nhiệm vụ của Bảo tàng nói riêng, của công tác bảo tồn các khu di tích nói chung phải đảm bảo các yếu tố “gốc” trong công tác phục hồi, tôn tạo các di tích. Trong đó, có thể điểm qua 6 nội dung theo Văn kiện Nara (1994), bao gồm: Nguyên gốc về địa điểm tồn tại; nguyên gốc về kiểu dáng phong cách; nguyên gốc về vật liệu xây dựng; nguyên gốc về kỹ thuật, độ tinh xảo trong chế tác hoặc thi công; nguyên gốc về chức năng sử dụng; nguyên gốc về cảnh quan môi trường. Đặc biệt, tuy các di tích được phục dựng đều mang tính tương đối về yếu tố xác thực theo tinh thần của Văn kiện Nara nhưng vẫn phải đảm bảo được giá trị lịch sử bất biến của mỗi di tích.
Cùng với công tác bảo tồn di tích, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào cũng ghi dấu ấn với nhiều kết quả từ công tác bảo vệ môi trường. Bởi theo ông Viên Ngọc Tân, giữ môi trường xanh - sạch - đẹp cũng là cách trân trọng lịch sử và tôn trọng khách tham quan, đó cũng là cách để tuyên truyền nhắc nhở du khách và người dân địa phương có ý thức với nơi mình đang tham quan, trải nghiệm. Cũng theo Phó Giám đốc Bảo tàng Viên Ngọc Tân, hằng ngày, được học tập tấm gương của Bác, mỗi cán bộ nhân viên ở đây luôn phát huy tinh thần tự giác, chủ động giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường.
Họ sẽ vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa tranh thủ nhặt nhạnh rác do du khách bỏ lại trên mỗi xăng-ti-mét di tích. Trước, trong và sau khi đón các đoàn khách đến tham quan, đặc biệt là đối với các sự kiện lớn diễn ra trong năm 2022 như Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Lễ hội Thành Tuyên; đón đoàn khách thứ 200 và vị khách số 30.000 đến tham quan tại Khu Di tích; Đón tiếp 7.413 đoàn với 592.318 lượt tham quan các khu, điểm di tích, nhà trưng bày Bảo tàng..., công việc này càng được chú trọng.
Họ không chỉ nâng niu từng chút kỷ niệm, dấu tích của lịch sử mà còn nâng niu từng bước chân du khách, bởi theo tâm sự của Hướng dẫn viên Lành Thị Kiên - (Phó trưởng Phòng hướng dẫn, tuyên truyền - Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Tán Trào) được sống, làm việc tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào không chỉ là niềm vinh dự đặc biệt đối với cô, mà còn là cảm xúc chung của tất cả cán bộ, nhân viên nơi đây. Vì thế, bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích và bảo vệ cảnh quan môi trường là công việc không chỉ mang tính trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn xuất phát từ tấm lòng, trái tim và tình yêu thiết tha với Bác và cách mạng.
Cô gái người Tày nhỏ bé duyên dáng với chất giọng truyền cảm và những suy nghĩ chân tình đã gieo vào lòng Đoàn công tác Chi hội Nhà báo Báo TN&MT những cảm xúc ấm áp. Không ai nói ra nhưng trong lòng mỗi người đều thấy yêu quý hơn bầu trời hòa bình, độc lập, cuộc sống hạnh phúc ấm no mà cách mạng, Đảng và Bác đã mang về cho dân tộc Việt Nam. Từ nơi cội nguồn cách mạng, mỗi người chúng tôi sẽ tự ý thức hơn trách nhiệm của mình - trách nhiệm của những chiến sĩ cầm bút trên mặt trận tư tưởng của Đảng, đồng thời, là những chiến sĩ trên mặt trận gìn giữ tài nguyên, bảo vệ môi trường của đất nước.