Đẩy mạnh phân cấp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:34, 04/10/2022
Sở TN&MT TP.HCM vừa phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 45 cho đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các xã, phường, thị trấn…
Thống nhất quan điểm áp dụng Luật
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung cùng nhau trao đổi, làm sáng tỏ các vấn đề còn vướng mắc, cũng như đánh giá cụ thể nguyên nhân (khách quan, chủ quan) do đặc thù của TP.HCM, do tổ chức thực hiện hay do cơ chế, chính sách… liên quan đến các thủ tục pháp lý về môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, thời gian qua, trong quá trình triển khai các thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập giữa thực tiễn của TP.HCM với quy định của pháp luật. Một trong những nguyên nhân là về “cách hiểu” khác nhau dẫn đến cách thức tổ chức, triển khai khác nhau…
Theo bà Mỹ, điển hình là quy định phân loại rác tại nguồn. Cụ thể, để phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, TP.HCM đã áp dụng phân loại rác thành hai nhóm khi tiến hành phân loại tại nguồn, gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo ba loại sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Vì vậy, một số quận, huyện của TP.HCM đang gặp lúng túng trong việc áp dụng xử phạt hành vi không phân loại tại nguồn theo Nghị định 45.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã giao cho UBND cấp tỉnh quyết định về hình thức phân loại rác tại nguồn. Nghị định 45 đưa ra hình thức chế tài xử phạt đối với hành vi không phân loại rác tại nguồn theo quy định.
“Như vậy, sau khi địa phương ban hành quy định về phân loại rác tại nguồn, nếu người dân không phân loại đúng theo quy định thì mới áp dụng chế tài xử phạt theo Nghị định số 45” - ông Nguyễn Hưng Thịnh cho hay.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh cũng cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng như Nghị định số 45 có những chế định mới nên khi triển khai không tránh khỏi những lúng túng, vướng mắc. Vì vậy, các địa phương phải nắm được “ý đồ” của Luật để vận dụng linh hoạt, tránh máy móc, khô cứng.
Thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã tổng hợp và trả lời nhiều câu hỏi của địa phương liên quan đến quá trình triển khai Luật và đăng trên Cổng thông tin của Tổng cục. Trong đó, nhiều câu hỏi đặt ra tình huống khác nhau nhưng vấn đề chính là giống nhau.
Hiện nay, Tổng cục Môi trường vẫn đang tiếp tục tổng hợp các ý kiến từ phía các địa phương, dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ biên tập bộ trao đổi giải đáp câu hỏi liên quan đến các tình huống thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành để gửi cho các tỉnh, thành phố cùng đối chiếu, áp dụng.
Đẩy mạnh phân cấp
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh, Nghị định số 45 đề cao việc phát huy vai trò tự quyết và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân trong việc chấp hành các quy định BVMT, đồng thời, quy định các chế tài xử phạt nghiêm khắc các hành vi cố tình xả thải, chôn lấp chất thải trái phép. Mức xử phạt sẽ kịch khung cho phép xử phạt hành chính trong vi phạm.
Cụ thể, Nghị định số 45 tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường như: Xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không xây lắp công trình bảo vệ môi trường… đến mức tối đa (1 tỷ đồng đối với cá nhân; 2 tỷ đồng đối với tổ chức).
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 45 đã đẩy mạnh phân cấp xuống cấp huyện, xã. Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ từ cấp Trung ương cho đến phường, xã để tham gia vào công tác quản lý Nhà nước về môi trường trong xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Theo đó, Nghị định số 45 đã giảm mức phạt đối với các nhóm hành vi xả rác nơi công cộng để phù hợp với thẩm quyền xử phạt của nhiều lực lượng tại địa phương (có thể áp dụng phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản) như chiến sĩ công an được xử phạt tối đa đối với người vi phạm là 500.000 đồng; trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an được phạt người vi phạm tối đa 2.500.000 đồng.