Sau cơn lũ dữ
Xã hội - Ngày đăng : 09:33, 04/10/2022
Miền Trung đang quay cuồng trong lũ dữ. Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnhNghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh (tính đến 17h ngày 1/10), mưa lũ đã khiến 7 người chết (tại Nghệ An),14.033 nhà bị ngập (Nghệ An: 11.969 nhà; Hà Tĩnh: 1.991 nhà, Thanh Hóa: 73 nhà); 26 nhà bị thiệt hại hoàn toàn (tại Nghệ An).
Chưa hết bàng hoàng, người dân cả nước tiếp tục chứng kiến cảnh tượng lũ ống sáng 2/10, khiến nhiều tài sản của người dân trên huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) bị cuốn trôi, nhà cửa đổ sập, đường sá hư hỏng... Đã có 1 người chết, 15 ngôi nhà bị cuốn trôi, trong khi nhiều ngôi nhà khác cùng công sở và nhiều tài sản có giá trị bị ngập…, gây thiệt hại nặng cho địa phương.
Không chỉ năm nay, nhiều năm qua, sau mỗi cơn bão, người dân miền Trung lại lo mưa lớn, lũ quét, lũ ống. Những con suối hằng ngày êm ả, nhưng khi có lũ trở nên hung dữ, gào thét cuốn phăng những gì cản trở “đường đi” của chúng. Nghìn năm, triệu năm, đã mưa sẽ có lũ. Nhưng tại sao mấy chục năm nay, nhất là những năm gần đây, cứ đến mùa mưa, cả nước nói chung và miền Trung nói riêng lại có những trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng, thiệt hại vô cùng lớn? Có cách nào để ngăn ngừa lũ lụt và hạn chế thiệt hại, mất mát được không? Có thể nào “chống lũ” được không?
Đã có không ít các cứ liệu về những trận mưa lũ lịch sử xảy ra trên cả nước thời gian qua được các chuyên gia chỉ rõ, phá rừng là nguyên nhân gián tiếp gây nên lũ quét, ngập lụt. Một chiếc cưa máy trên thượng nguồn không chỉ đốn hạ một thân cây, mà nó “chém thẳng” vào cuộc đời của nhiều thế hệ con người trong vùng nhạy cảm với lũ. Nước mắt sẽ còn rơi nhiều sau những cơn mưa cực đoan...
Sau bao năm, với nhiều chương trình, dự án, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng để trồng rừng, có ai dám chắc, rừng đã thực sự được phục hồi?! Trong khi đó, năm nào tổng kết, bộ, ngành quản lý đều chỉ ra tồn tại là diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng suy giảm nhanh với tốc độ chóng mặt. Độ che phủ ở nước ta hiện còn chưa đến 40%, diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%.
Khi rừng cạn kiệt dần, chúng ta có “sửa sai” bằng phong trào trồng rừng, giữ rừng. Rừng trồng mới, rừng tái sinh, khoanh nuôi bảo vệ đã mang lại màu xanh cho phần lớn diện tích núi trọc. Nhưng thử hỏi, rừng loại ấy liệu có tương quan với lượng mưa để có đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ điều hòa lũ hay không?
Chúng ta đã có mô hình nhà phao chống lũ để bảo toàn tính mạng, nhưng người dân cũng cần những “chiếc phao niềm tin”. Sẽ không tổ chức xã hội nào có thể đảm bảo hay lo xuể cho người dân nghèo ở những vùng rốn lũ nếu như cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đó vẫn cứ vì nguồn lợi trước mắt, lợi ích nhóm mà nhân rộng mô hình phát triển không bền vững, bỏ qua những hệ lụy tác động lên đời sống người dân.
Công luận đã từng lên tiếng mạnh mẽ trước những dự án dù thấy trước tác hại môi trường và tác động xấu đến môi trường sống nhưng vẫn được quyết liệt triển khai, bất chấp mọi sự phản biện. Khi đó, những ngôi nhà phao sẽ đến lúc trở nên tròng trành, mong manh khi “chiếc phao niềm tin” vào chính sách phát triển không được chính quyền quan tâm củng cố. Và không mô hình nhà phao nào có thể cứu vãn được niềm tin của dân sau những phát ngôn lạnh lùng, vô cảm “xả lũ đúng quy trình” của cơ quan hữu trách?!