Lâm Đồng: Phát hiện vụ cưa hạ hàng trăm cây thông ba lá trên 20 năm tuổi

An ninh trật tự - Ngày đăng : 15:13, 02/10/2022

Trong khoảng 3- 4 ngày qua, trên địa bàn xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) xảy ra vụ phá rừng hết sức táo tợn. Lâm tặc đã dùng cưa máy, cưa "trắng" hàng trăm cây thông ba lá trên 20 năm tuổi, thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý.

Đáng chú ý, xung quanh diện tích mới bị chặt phá cũng xuất hiện vết tích của những mảnh vườn trước đây là rừng, hoặc những khoảnh rừng thông 3 lá đã chết khô, do bị đầu độc bằng hóa chất. 

Chú thích ảnh
Toàn cảnh khu vực rừng thông bị cưa hạ. 

Sáng 1/10, phóng viên TTXVN có mặt tại hiện trường, chứng kiến dưới chân một cánh rừng thông 3 lá tươi tốt là hàng trăm cây thông đã bị hạ đổ nằm la liệt. Do mới chỉ bị đốn hạ cách đây vài ngày, nên cành lá của những cây này vẫn còn xanh, gốc cây vẫn đang ứa nhựa. Do mật độ cây bị hạ khá dày, nên phóng viên phải trèo qua hoặc đi trên các thân cây bị hạ đổ mới vào sâu bên trong hiện trường. Các cây bị đốn hạ có đường kính gốc từ 25- 40cm. Quan sát xung quanh khu vực vừa bị chặt phá, có một đám đất rộng vài ngàn m2 mới trồng thưa thớt vài cây chuối, mít, mắc ca, nằm chen vào giữa với 3 mặt đều giáp rừng thông. Ở phía bên kia, có một đám rừng với hàng trăm cây thông 3 lá mới chết, lá đỏ quạch vẫn còn chưa rụng. Thường thì thông chết như vậy đều do bị đầu độc bằng thuốc trừ cỏ. Khu vực này có địa hình cao nhất, phía dưới giáp đó là các vườn cà phê; các khu du lịch; dự án biệt thự, căn hộ nhà vườn… san sát nhau, như khẳng định giá trị thực tế của đất đai ở khu vực này.

Có mặt tại hiện trường, ông Vũ Đình Cường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết: Chi cục cũng mới nhận được thông tin từ Hạt Kiểm lâm Lâm Hà về vụ việc. Theo thông tin ban đầu, số lượng thông 3 lá bị cưa hạ hơn 160 cây, trên diện tích khoảng 1.700m2. Đây là diện tích rừng trồng từ năm 2002 thuộc lô b, khoảnh 3, tiểu khu 274, do Ban quản lý rừng Lâm Hà quản lý. Theo phỏng đoán bán đầu, có thể vào các đêm 28- 29/9 vừa qua, đối tượng đã dùng cưa pin không có tiếng máy nổ để cưa trộm thông ở đây, nên lực lượng quản lý rừng không phát hiện được. Hiện tại, lực lượng Kiểm lâm cùng cơ quan Công an huyện và các đơn vị liên quan đã tổ chức khám nghiệm hiện trường; đồng thời giao cho chủ rừng dọn dẹp hiện trường để khẩn trương trồng rừng mới ngay trong tháng 10 khi vẫn còn mưa. Hiện cơ quan Công an đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập thông tin liên quan, xác định thiệt hại cụ thể để làm cơ sở điều tra, xử lý đối tượng vi phạm.

Chú thích ảnh
Nhiều cây bị hạ nằm la liệt tại hiện trường. 

Theo thông tin ban đầu, tại địa bàn này có vài nhóm đối tượng chuyên đi thuê những người địa phương tổ chức phá rừng để lấn chiếm đất. Các đối tượng này thường lợi dụng kẽ hở của pháp luật như khi rừng đã phá xong, hành vi lấn chiếm diện tích đất đó sẽ trở thành hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp chứ không phải lấn chiếm rừng. Khi đó, việc xử lý sẽ thuộc về chính quyền địa phương chứ không còn thuộc về lực lượng Kiểm lâm.

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các đối tượng này đã nghiên cứu pháp luật rất kỹ trước khi thực hiện hành vi phá rừng. Bởi theo quy định của pháp luật, đối tượng rừng sản xuất bị phá phải đủ từ 5.000m2 trở lên mới có thể khởi tố người vi phạm. Nên diện tích mỗi lần bị phá thường dưới khung có thể khởi tố hình sự…

Liên quan tới vụ việc, ngày 30/9/2022, UBND huyện Lâm Hà có văn bản hỏa tốc số 2007/UBND-NNPTNT giao Công an huyện phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra làm rõ đối tượng vi phạm. UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo đơn vị chủ rừng sau khi lập biên bản hiện trường, quay phim ghi hình thì nhanh chóng xử lý hiện trường, trồng lại rừng bằng cây có quy cách lớn trên diện tích vừa bị phá; tổ chức làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra vụ phá rừng nêu trên…

Theo TTXVN