Đắk Nông quản lý, khai thác khoáng sản phục vụ giảm nghèo bền vững
Khoáng sản - Ngày đăng : 16:56, 21/09/2022
Đổi thay từ vùng đất bô xít
Nằm ở phía Nam khu vực Tây nguyên, Đắk Nông là tỉnh có tài nguyên khoáng sản khá đa dạng như cát, đá, bô xít.... Trong đó, bô xít là một trong những loại khoáng sản có trữ lượng và diện tích lớn. Hiện tại, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) được Chính phủ cấp phép và đang hoạt động khai thác mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ đó, giúp cho đời sống của người dân xung quanh khu vực ngày một nâng cao nhờ có công ăn việc làm ổn định.
Sau 5 năm đi vào vận hành (2017-2022), Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Công ty Nhôm Đắk Nông đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng đóng thuế cho ngân sách địa phương. Hoạt động khai thác bô xít, chế biến Alumin phục vụ xuất khẩu và quá trình luyện nhôm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Công ty đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho hơn 1.100 lao động với mức thu nhập cao hơn thu nhập bình quân tại địa phương, tạo việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động dịch vụ và phụ trợ, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân trong vùng dự án.
Điển hình, gia đình anh Phạm Vinh (xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’Lấp), năm 2000, hai vợ chồng cùng hai con nhỏ từ Nghệ An vào mua được hơn 1ha đất trồng cà phê để cải thiện đời sống và nuôi các con ăn học. Song, do chưa quen với canh tác, cộng với giá cả không ổn định nên qua nhiều năm gia đình anh vẫn chưa thể thoát nghèo.
“Đến năm 2015, gia đình anh có con trai đầu của tôi sau khi tốt nghiệp cấp 3 rồi học tiếp ngành cơ khí. Sau khi tốt nghiệp cháu được Công ty Nhôm Đắk Nông tuyển dụng với mức lượng ổn định. Khoảng 3 năm trở lại đây, gia đình tôi thoát nghèo vì mọi chi phí sinh hoạt nhờ thu nhập của cháu từ Công ty nên đã đỡ đi nhiều. Hiện gia đình tôi đã mua thêm hơn 5 sào đất để sản xuất nông nghiệp”, anh Vinh chia sẻ.
Theo Lãnh đạo UBND huyện Đắk R’Lấp, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, Công ty Nhôm Đắk Nông đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng đóng thuế cho ngân sách địa phương. Từ đó, đã giúp cho rất nhiều hộ dân có điều kiện thay đổi cuộc sống. Cụ thể, hàng chục ngôi Nhà tình thương được Công ty hỗ trợ kinh phí xây dựng cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Công ty còn hỗ trợ kinh phí xây dựng nhiều công trình công cộng như trường học, trạm y tế… Ngoài ra, Công ty cũng đã tổ chức tuyển chọn và đào tạo hàng trăm người với chế độ học bổng toàn phần, trong đó phần lớn là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng dự án.
Hướng tới giảm nghèo bền vững
Huyện Krông Nô - một trong những địa phương có trữ lượng cát lớn nhất của cả tỉnh Đắk Nông, nhưng nguồn thu nhập chính của đa phần các hộ dân trên địa bàn huyện chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Do đó, điều kiện kinh tế chung của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Để giúp người dân có thêm nguồn thu cũng như ổn định dần cuộc sống, lãnh đạo địa phương cũng đã đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác khoáng sản tạo điều kiện để người lao động tại địa phương có điều kiện tham gia. Đồng thời, chỉ đạo các xã kiểm soát chặt chẽ vấn đề bán đất nông nghiệp cho “cát tặc” để người dân giữ đất sản xuất đảm bảo kinh tế.
Qua trao đổi với đại diện lãnh đạo UBND huyện Krông Nô, thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh Đắk Nông cũng như các văn bản về quản lý cát sỏi lòng sông, huyện Krông Nô cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn phải thực hiện nghiêm; đồng thời, xử lý triệt để những trường hợp vi phạm để răn đe. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp phát hiện mà vượt quá thẩm quyền hoặc vướng mắc thì cần báo cáo gấp và xin ý kiến lãnh đạo UBND tỉnh để sớm có biện pháp xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, trước tình trạng khai thác cát diễn biến phức tạp, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan phải nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn khai thác cát, sỏi trái phép và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản phục vụ giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Cũng theo UBND tỉnh Đắk Nông, hiện UBND tỉnh Đắk Nông và UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, giám sát đối với các đơn vị, doanh nghiệp hiện đang khai thác cát dọc tuyến sông Krông Nô và cùng xử lý những trường hợp khai thác cát trái phép. Quan điểm của tỉnh Đắk Nông luôn chú trọng quản lý và tích cực phối hợp, thực hiện đúng quy chế đã ký kết với tỉnh Đắk Lắk.
Để khai thác khoáng sản gắn với giảm nghèo bền vững, Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông rà soát, kiểm tra và điều chỉnh kịp thời, hợp lý giá tính thuế tài nguyên, các loại thuế khác liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản khai thác; đồng thời, quản lý chặt chẽ, hiệu quả công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản trong doanh nghiệp và người dân…